Ai Cập không cho công dân nước ngoài ở Gaza đi qua cửa khẩu Rafah

Các nhân chứng cho biết nhiều người nước ngoài đã chờ đợi suốt nhiều giờ tại cửa khẩu Rafah mà không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía chính quyền Ai Cập.
Người dân Palestine sơ tán tới các khu vực an toàn sau các cuộc không kích của Israel, ngày 13/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, kênh truyền hình Al-Qahera News TV ngày 14/10 dẫn các nguồn tin xác nhận chính quyền Ai Cập đã từ chối cho phép công dân nước ngoài tại Gaza di chuyển qua cửa khẩu Rafah, ngoại trừ trường hợp hoạt động này là một phần của thỏa thuận cung cấp viện trợ nước ngoài cho Gaza.

Theo các nguồn tin, Israel đã thông báo với Mỹ hôm 14/10 rằng Nhà nước Do Thái tạm thời đình chỉ hoạt động đưa hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza, động thái khiến Cairo phản đối. Ai Cập trước đó tuyên bố hàng viện trợ nhân đạo phải đi qua cửa khẩu Rafah trước khi Cairo tạo điều kiện cho những người mang hai quốc tịch rời khỏi khu vực này.

Chính quyền Ai Cập cũng yêu cầu Mỹ cam kết chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza mà không có sự can thiệp của Israel. Cairo cũng đã nhấn mạnh tới thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo được Israel chấp thuận vài giờ trước khi bất kỳ công dân nào cần đi qua cửa khẩu Rafah.

Các nhân chứng cho biết nhiều người nước ngoài đã chờ đợi suốt nhiều giờ tại cửa khẩu Rafah mà không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía chính quyền Ai Cập.

Trước đó, một quan chức Mỹ tiết lộ Ai Cập và Israel đã nhất trí cho phép các công dân Mỹ rời Gaza qua cửa khẩu Rafah từ 12h00 đến 17h00 (theo giờ địa phương). Cũng theo quan chức này, Washington vẫn chưa xác nhận thỏa thuận có được thực hiện hay không.

[Quân đội Israel cảnh báo sơ tán lần thứ hai tại Dải Gaza]

Theo thông tin được Axios công bố ngày 13/10, hơn 500 người Mỹ và công dân các nước khác, bao gồm nhân viên Liên hợp quốc, nhân viên các tổ chức phi chính phủ và nhà báo, đang bị mắc kẹt tại Dải Gaza do các cửa khẩu biên giới giữa Gaza với Israel và Ai Cập đều bị đóng.

Ai Cập đã chỉ định sân bay El-Arish làm nơi tiếp nhận hàng cứu trợ từ các tổ chức viện trợ và chính phủ nước ngoài để chuyển đến Gaza thông qua cửa khẩu Rafah.

Cairo khẳng định cửa khẩu Rafah vẫn hoạt động và chưa bị đóng cửa kể từ khi xung đột Hamas-Israel bắt đầu nổ ra hôm 7/10.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng quan trọng ở phía bên kia biên giới của người Palestine đã bị phá hủy do những cuộc không kích liên tục của Israel, làm gián đoạn hoạt động thường xuyên tại cửa khẩu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục