Ngày 22/10, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia Margallo đang ở thăm Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh rằng không có bất kỳ xung đột nào giữa nước này và Saudi Arabia xung quanh việc Cairo bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Nga về vấn đề Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 8/10.
Trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước hồi tuần trước, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh rằng mối quan hệ chiến lược giữa Ai Cập và Saudi Arabia sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì và sẽ không cho phép bất cứ vấn đề gì có thể cản trở mối quan hệ này.
Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của Bộ Ngoại giao Ai Cập sau những dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Ai Cập và Saudi Arabia liên quan đến động thái mới nhất của Cairo tại cuộc họp bỏ phiếu đối với 2 dự thảo nghị quyết về cuộc xung đột ở Syria tại Liên hợp quốc, trong đó một của Nga và một do Pháp soạn thảo. Mặc dù cả 2 nghị quyết này đều không được thông qua, song việc Cairo ủng hộ dự thảo nghị quyết của Moskva đã làm phát sinh căng thẳng với Ryiadh. Trong khi Saudi Arabia hậu thuẫn các lực lượng đối lập và nổi dậy tại Syria, Nga ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad.
Theo ông Shoukry, một dự thảo nghị quyết hiện đang được Ai Cập, Tây Ban Nha và New Zealand xem xét vì cả ba nước đều coi tình hình nhân đạo tại Syria là ưu tiên hàng đầu. Dự thảo nghị quyết này sẽ tập trung vào vấn đề cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Syria cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt xung đột thông qua một giải pháp chính trị giữa các phe phái đối địch tại quốc gia Trung Đông này. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập nói thêm rằng Cairo hy vọng một giải pháp cân bằng về vấn đề Syria sẽ được thông qua nhằm cứu người dân Syria thoát khỏi các tổ chức khủng bố cũng như sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Trước đó, ngày 10/10, tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia thông báo ngừng cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho Ai Cập trong tháng 10/2016, buộc Bộ Dầu mỏ Ai Cập phải tìm kiếm các nguồn cung khác ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Dư luận khu vực và quốc tế đã đồn đoán Saudi Arabia có thể sẽ ngừng các dự án đầu tư tại đất nước Kim tự tháp. Tuy nhiên, các quan chức ngành dầu mỏ hai nước khẳng định quyết định của Aramco chỉ là vấn đề kỹ thuật và thỏa thuận cung cấp nhiên liệu trị giá gần 23 tỷ USD giữa Ai Cập và Saudi Arabia vẫn đang được thực hiện./.