Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Chính phủ Ai Cập ngày 19/1 đã lên tiếng kêu gọi các phe phái đối địch tại Libya gạt bỏ những khác biệt và tận dụng cơ hội “lịch sử” để đạt được sự đồng thuận về cơ sở hiến pháp thống nhất quốc gia, qua đó mở đường cho các cuộc bầu cử và chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài ở đất nước Bắc Phi này.
Lời kêu gọi của Cairo được đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp Ủy ban hiến pháp Libya tổ chức tại thành phố Hurghada của Ai Cập. Cuộc họp này là một phần trong các phiên đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm thảo luận về soạn thảo Hiến pháp Libya để hướng tới cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay.
Đây cũng là một phần trong lộ trình của Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya (LPDF) với mục tiêu thành lập một cơ quan hành pháp mới để tổ chức các cuộc bầu cử sắp tới.
Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, quyền Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya Stephanie Williams đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng thuận về soạn thảo hiến pháp quốc gia, bởi điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới những tiến trình khác để giải quyết cuộc khủng hoảng Libya.
[LHQ: Đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán chuyển tiếp ở Libya]
Theo bà Stephanie, nếu các bên không thể đồng thuận thì sẽ có những tác động rất tiêu cực đối với hàng loạt khía cạnh khác, trong đó có an ninh và tình hình kinh tế Libya.
Đại diện Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng rằng cuộc đàm phán sẽ mang lại những kết quả tích cực nhằm mang lại sự ổn định và hỗ trợ các kết quả đã đạt được từ LPDF.
Bên cạnh đó, bà Stephanie đánh giá cao những nỗ lực của Ai Cập trong giải quyết cuộc khủng hoảng Libya, cũng như mong muốn của giới lãnh đạo nước này nhằm ổn định tình hình tại quốc gia láng giềng Libya.
Sau khi rơi vào cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và LHQ công nhận, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga.
Ngày 23/10/2020, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của GNA và LNA đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của Liên hợp quốc.
Tiếp sau đó, trong cuộc họp của LPDF tại Tunisia hồi tháng 11/2020, đại diện cho các tổ chức chính trị và xã hội tại Libya đã bỏ phiếu về cơ chế lựa chọn cơ quan hành pháp thống nhất và nhất trí tổ chức tổng tuyển cử tại Libya vào ngày 24/12/2021./.