Ai Cập hối thúc đàm phán về Đập Thủy điện Đại Phục hưng

Theo Ngoại trưởng Ai Cập tái khẳng định tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc đàm phán về Đập Thủy điện Đại Phục hưng trong thời gian sớm nhất để đạt được một thỏa thuận công bằng.
Công trình xây dựng Đập Thủy điện Đại Phục hưng ở Guba, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/1, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và Đặc phái viên Mỹ về vùng Sừng châu Phi David Satterfield đã thảo luận về những diễn biến mới nhất trong khu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Sudan, Somalia và Đập Thủy điện Đại Phục hưng (GERD) do Ethiopia xây dựng trên sông Nile Xanh.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết tại cuộc gặp ông Satterfield đang ở thăm Ai Cập, Ngoại trưởng Shoukry đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc đàm phán trong thời gian sớm nhất để đạt được một thỏa thuận công bằng, cân bằng và có tính ràng buộc về pháp lý liên quan đến việc tích nước và vận hành GERD.

Theo ông, thỏa thuận phải tính đến lợi ích của ba nước, gồm Ethiopia, Sudan và Ai Cập, phù hợp với tuyên bố do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra hồi tháng 9/2021.

Trước đó, trong một tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho hay Cairo quan tâm đến việc nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết các tranh cãi về kỹ thuật và pháp lý nhằm hướng tới một thỏa thuận về việc trữ nước và vận hành đập GERD của Ethiopia.

[Ethiopia tiến hành giai đoạn 2 tích nước cho Đập Thủy điện Đại Phục hưng]

Đập thủy điện GERD có chiều cao 145m và khả năng tích nước lên tới 74 tỷ m3. Dự án được xây dựng từ năm 2011 trên nhánh sông Nile Xanh, một trong hai phụ lưu chính của sông Nile - vốn là nguồn cung cấp nước và điện thiết yếu cho hàng chục quốc gia ở Đông Phi. Quá trình tích nước đã bắt đầu từ năm 2020 và đạt 4,9 tỷ m3 vào tháng 7/2020.

Sudan và Ai Cập, hai quốc gia ở hạ nguồn sông Nile, đã đàm phán với Ethiopia từ một thập kỷ trước đây nhằm tiến tới một thỏa thuận về vấn đề trữ nước và vận hành đập GERD.

Hai nước này lo ngại đập GERD sẽ làm giảm nguồn cung nước của mình, cũng như ảnh hưởng đến các cộng đồng, các công trình thủy lợi và đất nông nghiệp ở khu vực hạ nguồn. Vì vậy, cần có một thỏa thuận ba bên.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa ba nước đình trệ từ tháng 4/2021 do phía Ethiopia từ chối một số đề xuất của Sudan và Ai Cập về cơ chế đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục