Lưu lượng nước sông Nile đoạn chảy qua Ai Cập sẽ giảm 5 tỷ m3 trong năm nay, do lượng mưa tại khu vực thượng nguồn nhánh sông ở Ethiopia được dự báo sẽ thấp hơn đáng kể trong mùa mưa diễn ra từ tháng 8 đến giữa tháng 11 tới.
Phóng viên TTXVN thường trú tại Cairo dẫn thông cáo của Bộ Nguồn nước và Tưới tiêu Ai Cập (MIWR) cho hay lượng nước thiếu hụt này tương đương 10% tổng lưu lượng 55,5 tỷ m3 nước hàng năm theo hiệp định chia sẻ nguồn nước sông Nile mà Ai Cập ký với Sudan năm 1959.
Trên cơ sở đó, MIWR đang nghiên cứu các khả năng nhằm hạn chế tác động của việc thiếu hụt nguồn nước, như phát động chiến dịch gia tăng nhận thức cộng đồng về bảo tồn nguồn nước, ngăn chặn các hành động xâm thực nguồn nước sông Nile, đồng thời chấm dứt tình trạng đổ phế thải vào nguồn nước.
Hồi đầu năm, Bộ trưởng MIWR Mohamed Abdel-Atti đã thông báo về gói đầu tư trị giá 50 tỷ USD nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước.
Kế hoạch này sẽ được triển khai trong vòng 20 năm, gồm việc ứng dụng các phương pháp tưới tiêu hiệu quả hơn, tích cực khai thác các loại giống cây trồng mới không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước và xây dựng mạng lưới các nhà máy khử mặn.
[Ai Cập khánh thành cây cầu treo rộng nhất thế giới bắc qua sông Nile]
Bên cạnh đó, MIWR đã nhất trí với Bộ Nông nghiệp Ai Cập rằng 85% lượng nước tưới tiêu của nước này cần được chuyển sang sử dụng từ các nguồn nước thải đã qua xử lý.
Luật Nông nghiệp Ai Cập cũng quy định những điều kiện hạn chế trong canh tác lúa, ngô và chuối, vốn là những là những cây nông nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn nước tưới tiêu.
Theo người phát ngôn MIWR Mohamed Al-Sebaai, những nông dân không tuân thủ quy định canh tác sẽ bị phạt 2.000 bảng Ai Cập (khoảng 120 USD) nếu vi phạm lần đầu, đồng thời số tiền phạt sẽ tăng lên 10.000 bảng Ai Cập (khoảng 600 USD) và thậm chí sẽ bị cấm canh tác nếu tái phạm.
Theo số liệu thống kê mới nhất, Ai Cập cần khoảng 11 tỷ m3 nước sạch mỗi năm, tăng mạnh so mức tương ứng 7 tỷ m3 trong các nghiên cứu đánh giá trước đó.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ nguồn nước đang trở thành một nhiệm vụ tối quan trọng đối với quốc gia Bắc Phi này, trong bối cảnh dân số Ai Cập tăng trưởng nhanh và nhiều người dân nước này không được tiếp cận các nguồn nước sạch.
Trong nỗ lực phối hợp cùng các bộ ngành khác có liên quan, Bộ Nhà ở Ai Cập thông báo kế hoạch xây dựng 39 nhà máy khử mặn với tổng công suất 1,4 triệu m3 nước/ngày.
Các nhà máy này sẽ được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Matrouh, Bắc Sinai hay Port Said, trong đó 16 nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020./.