Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phái đoàn quan chức an ninh và ngoại giao Ai Cập đã tới thủ đô Tripoli của Libya ngày 27/12 nhằm hối thúc các bên tuân thủ cam kết ngừng bắn và khởi động ủy ban quân sự hỗn hợp Libya 5+5 do Liên hợp quốc bảo trợ.
Đây là chuyến thăm đầu tiên đến Tripoli của một phái đoàn chính thức từ Ai Cập kể từ năm 2014, khi Ai Cập đóng cửa Đại sứ quán tại thành phố này do bạo lực.
Truyền thông Ai Cập đưa tin phái đoàn bao gồm Trợ lý Ngoại trưởng Ai Cập và Phó Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Ai Cập (GIS).
Phái đoàn đã có cuộc gặp với các quan chức Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) do Thủ tướng Fayez El-Sarraj dẫn đầu, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bachagha, người đứng đầu cơ quan an ninh Libya Imed Trabelsi, Ngoại trưởng Mohamed Taha Siala.
Theo Bộ Nội vụ Libya, các cuộc thảo luận tập trung vào các phương thức tăng cường hợp tác an ninh, hỗ trợ lệnh ngừng bắn mà hai bên đối địch tại Libya là GNA và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar đã ký kết vào tháng 10 vừa qua, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
[Hơn 20.000 binh lính lực lượng nước ngoài vẫn hiện diện tại Libya]
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Libya Mohammad Elgeblawi cho biết mục đích của các cuộc đối thoại là hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Libya và Ai Cập, cũng như thảo luận về hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo quan chức này, tại các cuộc thảo luận, hai bên đã cam kết mở lại lãnh sự quán của Ai Cập sớm nhất có thể và thiết lập lại kết nối hàng không giữa thủ đô hai nước bị gián đoạn trong những năm qua.
Trước đó, Giám đốc GIS Abbas Kamel cũng đã tới thành phố Benghazi và gặp Tướng Khalifa Haftar cùng Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh ở miền Đông.
Tại cuộc gặp, ông Kamel đã chuyển thông điệp của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi bày tỏ sự ủng hộ của Cairo đối với Libya.
Kể từ sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya rơi vào vòng xoáy bạo lực, trở thành một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện nay.
Hiện ở Libya tồn tại hai chính quyền đối địch: GNA được Liên hợp quốc công nhận và chính quyền ở miền Đông được sự hậu thuẫn của LNA và sự ủng hộ của một số nghị sỹ trong Quốc hội được bầu.
Ngày 23/10 vừa qua, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của GNA và LNA đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của Liên hợp quốc, mở đường cho việc tiến hành bầu cử vào cuối năm 2021.
Cùng với lệnh ngừng bắn kể trên, tình hình tại Libya thời gian qua ghi nhận nhiều tiến triển tích cực như việc chấm dứt lệnh phong tỏa các cơ sở khai thác dầu mỏ, mở cửa trở lại các tuyến đường giao thông nội địa hay việc các đại diện phe phái tham gia nhiều hơn vào tiến trình chính trị trong nước./.