Trong một nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ lâm thời của Ai Cập đang cân nhắc thời gian bắt đầu tăng giá xăng dầu và các sản phẩm dầu mỏ.
Động thái trên nằm trong mục tiêu giảm ngân sách trợ cấp năng lượng, vốn dự kiến vượt 130 tỷ bảng Ai Cập (18,5 tỷ USD) vào cuối tài khóa 2013-2014 (kết thúc vào ngày 30/6 tới), xuống còn 100 tỷ bảng (14,3 tỷ USD).
Nhật báo Al Ahram do nhà nước quản lý dẫn một nguồn tin chính thức cho biết Nội các của Thủ tướng lâm thời Ibrahim Mahlab đang xem xét tăng giá 0,1 bảng (0,14 USD)/lít đối với ba sản phẩm xăng dầu đang được sử dụng rộng rãi hiện nay gồm xăng A92, A80 và dầu diesel.
Theo cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Osama Kamal, giá xăng dầu tại quốc gia Bắc Phi này đã không thay đổi kể từ năm 2006.
Chính phủ Ai Cập có hai lựa chọn về mặt thời gian để thông báo quyết định tăng giá xăng dầu. Một là áp dụng mức giá mới ngay từ đầu năm tài chính 2014-2015 bắt đầu vào ngày 1/7 tới.
Lựa chọn thứ hai là tăng giá vào cuối năm 2014 sau khi triển khai xong hệ thống thẻ thông minh trong phân phối nhiên liệu.
Tuy nhiên, ông Kamal cho rằng không có lựa chọn tối ưu nào về mặt thời gian để cắt giảm các khoản trợ cấp. Chính phủ bắt buộc phải tăng giá và phản ứng của người dân là điều không thể tránh khỏi.
Đầu tháng này, Chính phủ Ai Cập thông báo đã phát hành 2 triệu thẻ thông minh để chuẩn bị đưa vào sử dụng tại các trạm xăng trên toàn quốc, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu được nhà nước trợ giá, chống tham nhũng và cắt giảm các khoản trợ cấp vốn là nguyên nhân chủ yếu khiến ngân sách nhà nước thâm hụt nặng.
Giai đoạn một của chương trình này bao gồm phát hành thẻ thông minh cho các xe bồn chở xăng dầu, các trạm xăng, xây dựng cơ sở dữ liệu của các công ty và kho chứa nhiên liệu. Giai đoạn hai của chương trình bắt đầu từ tháng 7/2013 với mục tiêu phát hành tổng cộng 4,5 triệu thẻ thông minh.
Ai Cập là một trong những quốc gia có mức giá năng lượng thấp nhất trên thế giới; trong đó, ước tính trợ cấp nhiên liệu chiếm tới 22% ngân sách hàng năm, cao gấp 7 lần so với ngân sách dành cho y tế và gấp 3 lần ngân sách dành cho giáo dục.
Theo tính toán, người giàu Ai Cập đang được hưởng tới 80% ngân sách trợ cấp năng lượng và thị trường chợ đen mỗi năm thu lợi tới 4,3 tỷ USD nhờ buôn lậu các sản phẩm xăng dầu được nhà nước trợ giá. Chính quyền nước này đã nhiều lần kêu gọi cải cách hệ thống trợ giá năng lượng, song không mạnh tay tăng do lo ngại kích động thêm tình trạng bất ổn xã hội./.