Chính phủ lâm thời Ai Cập ngày 17/11 tuyên bố sẵn sàng hòa giải với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) của Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi nếu lực lượng này chấp nhận lộ trình chuyển tiếp chính trị mà quân đội đã công bố hồi đầu tháng Bảy.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Đoàn kết xã hội Ai Cập Ahmed El-Borei đưa ra ngày 17/11, một ngày sau khi Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB dẫn đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi - đề xuất đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng trầm trọng và tình trạng bất ổn an ninh kể từ cuộc chính biến ngày 3/7.
Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của chính quyền lâm thời Ai Cập trong nhiều tháng qua liên quan đến việc hòa giải với MB.
Phát biểu trên kênh truyền hình vệ tinh Al-Hurra có trụ sở tại Mỹ, ông Borei cho biết chính phủ nước này "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ theo đuổi" việc hòa giải với MB, trừ khi nhóm Hồi giáo này có động thái đầu tiên.
Ông Borei cũng nêu ra điều kiện thứ hai đó là MB không được "áp đặt lối sống" lên người dân Ai Cập.
Kể từ cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ ông Morsi, MB luôn từ chối công nhận ban lãnh đạo lâm thời được quân đội hậu thuẫn với lý do đây là "một phần của cuộc đảo chính bất hợp pháp," đồng thời đòi phục chức cho ông Morsi.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 16/11, NASL lần đầu tiên không nhắc đến yêu sách đòi phục chức cho nhà lãnh đạo này và kêu gọi chính quyền "tôn trọng tính đa nguyên chính trị."
Tuy nhiên, Liên minh NASL vẫn tiếp tục giữ các yêu sách quan trọng khác, trong đó cho rằng sự kiện ngày 3/7 là một cuộc "đảo chính," yêu cầu giải thể Chính phủ lâm thời, đồng thời đòi đưa những kẻ sát hại người biểu tình ra tòa án xét xử, phóng thích các tù nhân Hồi giáo, mở lại các kênh truyền hình Hồi giáo vốn bị giới chức Ai Cập đóng cửa ngay sau khi ông Morsi bị phế truất.
Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Tự do tư tưởng và ngôn luận (AFTE) cho biết tuần từ ngày 9-14/11 là quãng thời gian "bạo lực và nguy hiểm nhất" đối với các trường đại học của Ai Cập kể từ cuộc chính biến ngày 25/1/2011 lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận này đã liệt kê các vụ đụng độ bạo lực giữa sinh viên và cảnh sát làm rung chuyển các trường đại học tại Zagazig, Mansoura và Assiut, cũng như các biện pháp hành chính áp đặt đối với các cuộc biểu tình của sinh viên các trường đại học Cairo, Al-Azhar, Damietta, Zagazig và Mansoura.
Theo AFTE, cảnh sát và những người mặc thường phục đã dùng đạn hơi cay, đạn ghém, gạch đá và pháo hoa tấn công các sinh viên tham gia biểu tình ủng hộ ông Morsi, đột kích và bắt giữ một số thủ lĩnh sinh viên tại nhà riêng.
Trong khi đó, ngày 17/11, đụng độ bạo lực tiếp tục nổ ra giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối ông Morsi tại Đại học Ain Shams ở Cairo.
Theo các nhân chứng, hàng trăm thành viên của phong trào "Sinh viên chống đảo chính" đã tham gia một cuộc biểu tình trong khuôn viên của trường, hô khẩu hiệu phản đối quân đội và cảnh sát trước khi đụng độ bằng gạch đá và giày dép với các sinh viên đối địch khiến một số người bị thương.
Cùng ngày, các sinh viên Đại học Zagazig ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile tiếp tục ngày biểu tình bạo lực thứ hai chống "đảo chính," đòi phóng thích các sinh viên bị cảnh sát bắt giữ và ngăn cản các sinh viên khác tham gia kỳ thi giữa kỳ.
Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã được triển khai trong khuôn viên trường và sử dụng đạn hơi cay, bom khói để giải tán đám đông.
Kể từ ngày khai giảng giữa tháng Chín vừa rồi, các trường đại học ở Ai Cập đã chứng kiến hàng loạt cuộc đụng độ bạo lực giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi khiến hàng trăm sinh viên bị thương, bị bắt giữ và bị đình chỉ học.
Đầu tháng này, Cơ quan công tố nhà nước đã cho phép cảnh sát triển khai lực lượng trong khuôn viên Đại học Al-Azhar ở Cairo theo đề xuất của ban lãnh đạo trường, sau khi một nhóm sinh viên xông vào đập phá khu hiệu bộ của trường - một cơ sở thuộc Nhà thờ cùng tên có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập.
Sau khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng này, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem El-Beblawi tuyên bố cảnh sát sẽ được triển khai tại cổng của tất cả các trường đại học trên cả nước nhằm giúp duy trì an ninh.
Nội các của ông Beblawi cũng trao quyền cho hiệu trưởng các trường đại học cho phép cảnh sát tiến vào khuôn viên các trường trong trường hợp xuất hiện "các mối đe dọa đối với các cá nhân, tổ chức và sinh viên."
Cùng ngày 17/11, Cơ quan công tố Ai Cập đã chuyển hồ sơ sang Tòa án Hình sự Cairo để truy tố hai thủ lĩnh đảng Hồi giáo Al-Wasat là Essam Sultan và Gamal Gabriel cùng một nhà lãnh đạo MB với cáo buộc xúc phạm các cơ quan tư pháp.
Theo nhật báo Al Ahram, ba bị cáo trên bị nhiều thẩm phán kiện vì đã cáo buộc các cơ quan tư pháp "tham nhũng" trong các cuộc phỏng vấn với báo giới.
Ngoài ra, những người này cũng bị cáo buộc thúc đẩy một dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi nhằm âm mưu thải hồi khoảng 3.500 thẩm phán trên 60 tuổi và thay thế bằng những thẩm phán trẻ có thiện cảm với phe Hồi giáo.
Đầu tháng này, một tòa án Cairo cũng đã quyết định xét xử phúc thẩm đối với cựu thủ lĩnh tối cao MB Mahdi Akef vào ngày 10/12 tới.
Kể từ cuộc đảo chính hôm 3/7 lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi và chiến dịch giải tán hai địa điểm tập trung của những người ủng hộ nhà lãnh đạo Hồi giáo này ngày 14/8, hàng trăm thủ lĩnh Hồi giáo, trong đó phần lớn là các nhà lãnh đạo MB, cùng khoảng 3.000 thành viên của tổ chức này đã bị cảnh sát bắt giữ./.