Ai Cập: Chánh án Tòa án Tối cao từ chối làm Chủ tịch Quốc hội

Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adly Mansour đã từ chối tham gia danh sách 28 nghị sỹ do Tổng thống chỉ định, một bước đệm để ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Ai Cập: Chánh án Tòa án Tối cao từ chối làm Chủ tịch Quốc hội ảnh 1Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adly Mansour. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adly Mansour ngày 29/12 đã từ chối tham gia danh sách 28 nghị sỹ do Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi chỉ định, một bước đệm để ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội mới.

Như vậy, sau khi tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội được mong đợi từ lâu, đến nay Ai Cập vẫn chưa tìm được ứng cử viên chắc chắn cho chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội.

Ông Mansour - từng giữ chức Tổng thống lâm thời của Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013 - cho biết ông chỉ muốn làm việc trên cương vị Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao cho tới cuối nhiệm kỳ, song ông không nêu rõ lý do.

Trước đó, ngày 28/12, người phát ngôn Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Ragab Selim đã bác bỏ các thông tin đồn đoán rằng ông Mansour chấp thuận đề nghị tham gia Quốc hội do Tổng thống El-Sisi đưa ra, mặc dù ông này được nhiều nghị sỹ trong Quốc hội mới tín nhiệm đề cử vào danh sách 28 nghị sỹ do Tổng thống El-Sisi chỉ định và đề cử làm người đứng đầu cơ quan lập pháp Ai Cập.

Theo Hiến pháp Ai cập, Tổng thống có quyền chỉ định 28 nghị sỹ, chiếm 5% tổng số nghị sỹ trong Quốc hội.

Danh sách 28 nghị sỹ do Tổng thống El-Sisi chỉ định sẽ được công bố trong vài ngày tới, trước khi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội diễn ra.

Cho tới nay, chỉ có 2 nghị sỹ là ông Tawfik Okasha, chủ một kênh truyền hình tư nhân, và ông Osama El-Abd, cựu Chủ tịch Đại học El-Azhar, thông báo sẽ chạy đua giành chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội khóa mới.

Tuy vậy, cả hai nhân vật này đều không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nghị sỹ.

Cuộc bầu cử Quốc hội gồm hai giai đoạn của Ai Cập, diễn ra từ ngày 17/10-2/12, là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị ở đất nước Kim Tự tháp sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi.

Với 596 ghế, bao gồm 448 ghế độc lập, 120 ghế theo danh sách đảng phái và 28 ghế do Tổng thống chỉ định, Quốc hội mới của Ai Cập sẽ có kỳ họp đầu tiên, dự kiến khai mạc vào ngày 10/1/2016.

Trong kỳ họp đầu tiên kéo dài 15 ngày, Quốc hội vừa được bầu sẽ bỏ phiếu thông qua tất cả các luật đã được phê chuẩn dưới thời ông Mansour và đương kim Tổng thống El-Sisi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục