Ngày 30/11, Ủy ban sửa đổi hiến pháp của Ai Cập bắt đầu bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp mới - động thái đầu tiên trong nỗ lực mà giới chức Ai Cập cho rằng sẽ đưa nước này trở lại con đường dân chủ sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Bảy vừa qua lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi.
Theo hãng thông tấn MENA, 48 thành viên trong tổng số 50 thành viên của ủy ban trên đã tham dự bỏ phiếu và 138 điều trong tổng số 247 điều của dự thảo hiến pháp mới đã được thông qua trong ngày 30/11.
Dự kiến cuộc bỏ phiếu sẽ tiếp tục được tiến hành vào chiều 1/12. Được biết, trong số các điều khoản đã được thông qua có điều khoản quy định luật Hồi giáo (sharia) sẽ là cơ sở chính cho lập pháp như dưới chế độ của nhà lãnh đạo bị lật đổ Hosni Mubarak.
Theo kế hoạch, nếu toàn bộ dự thảo được thông qua, hiến pháp sửa đổi sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào đầu năm tới.
Đây là dấu mốc đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp được giới quân sự Ai Cập hậu thuẫn sau khi lật đổ Tổng thống Morsi. Tiếp đó, bầu cử tổng thống và quốc hội sẽ được tiến hành vào giữa năm 2014.
Sau khi quân đội tiến hành đảo chính ngày 3/7 lật đổ Tổng thống Morsi, chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn đã đình chỉ Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo và thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 12/2012.
Ủy ban sửa đổi hiến pháp gồm 50 thành viên được Tổng thống lâm thời Atly Mansour bổ nhiệm, với thành phần áp đảo là đại diện của các lực lượng tự do và cánh tả.
Đây là lần thứ 3 trong vòng chưa đầy ba năm Ai Cập tiến hành sửa đổi Hiến pháp.
Lộ trình chuyển tiếp chính trị được Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sissi công bố hôm 3/7 gồm 3 giai đoạn: sửa đổi và thông qua hiến pháp mới, tổ chức bầu cử quốc hội, tiếp theo là bầu cử tổng thống.
Liên quan đến tình hình Ai Cập, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 30/11 đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới tại nước này, kêu gọi kiềm chế các hành động đàn áp và bắt giữ người biểu tình.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của người phát ngôn Lầu Năm Góc Carl Woog cho biết, trong cuộc điện đàm sáng 30/11 với Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, ông Chuck Hagel đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc chính phủ lâm thời Ai Cập ban hành đạo luật hạn chế các hành động biểu tình và phản đối.
Ông Hagel cho rằng cách tiếp cận của chính phủ Ai Cập với tự do ngôn luận sẽ được nhìn nhận như một bằng chứng về cam kết của nước này đối với tiến trình chuyển giao dân chủ và phi bạo lực.
Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước cũng thảo luận về kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp sửa đổi của Ai Cập, chống khủng bố, an ninh hàng hải, vấn đề Iran và Syria.
Mỹ mỗi năm cung cấp trung bình 1,5 tỷ USD viện trợ cho Ai Cập, trong đó phần lớn là viện trợ quân sự. Tuy nhiên, tháng 10 vừa qua, Nhà Trắng thông báo tạm ngưng một phần viện trợ này sau khi quân đội Ai Cập tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo.
Kể từ sau cuộc đảo chính, quan hệ giữa Washington và Cairo tiếp tục căng thẳng khi nhà chức trách Ai Cập tiến hành bắt giữ các thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo và trấn áp các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Mohamed Morsi./.