Trong hai ngày 1-2/12, người dân Ai Cập tiếp tục đi bỏ phiếu vòng bổ sung cuộc bầu cử Quốc hội giai đoạn hai. Giới phân tích nhận định ba thế lực chính trị thế tục, gồm đảng Những Người Ai Cập Tự do, đảng Tương lai Tổ quốc và đảng Wafd, sẽ chiếm đa số ghế trong Quốc hội khóa mới của Ai Cập.
Cả ba đảng trên đều thuộc liên minh bầu cử Vì Tình yêu Ai Cập, một liên minh quy tụ 10 đảng phái chính trị ủng hộ đương kim Tổng thống Abdel-Fattah Al-Sisi.
Sau khi giành được tổng cộng 87 ghế trong Quốc hội tại các cuộc bỏ phiếu trước đó, ba đảng trên sẽ có 145 ứng cử viên độc lập tiếp tục chạy đua tại vòng bỏ phiếu bổ sung và cũng là vòng cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội được mong đợi lâu nay ở đất nước Kim Tự Tháp.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn thông báo của Ủy ban Bầu cử tối cao Ai Cập (HEC) cho biết 426 ứng cử viên độc lập sẽ tham gia giành 213 ghế trong vòng bỏ phiếu lần này tại 99 khu vực bầu cử thuộc 13 tỉnh. Vòng bỏ phiếu bổ sung giai đoạn hai cũng diễn ra tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Ai Cập ở nước ngoài trong hai ngày 30/11 và 1/12.
Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên của giai đoạn hai, 2.893 ứng cử viên chạy đua giành 222 ghế theo danh sách độc lập và 195 ứng cử viên tham gia giành 60 ghế theo danh sách đảng phái.
Liên minh bầu cử Vì Tình yêu Ai Cập tiếp tục giành trọn 60 ghế còn lại theo danh sách đảng trong cuộc đua giai đoạn hai diễn ra từ ngày 21-23/11 tại 13/27 tỉnh. Tổng số 120 ghế theo danh sách đảng đã thuộc về liên minh này. Trong khi đó, chỉ 9 ứng cử viên hội đủ số phiếu theo quy định để giành ghế theo danh sách ứng viên độc lập trong Quốc hội.
Do đó, các ứng cử viên tiếp tục chạy đua tại vòng bỏ phiếu bổ sung diễn ra từ ngày 30/11 - 2/12 để giành 213 ghế còn lại.
Theo Trung tâm Tư vấn và nghiên cứu quốc gia Ai Cập, đảng Những Người Ai Cập tự do, đảng Tương lai Tổ quốc và đảng Wafd sẽ chiếm ưu thế tại vòng bỏ phiếu bổ sung giai đoạn hai. Đảng những người Ai Cập Tự do, do doanh nhân giàu có Naguib Sawiris sáng lập, kỳ vọng giành được 52 ghế. Tiếp đến là đảng Tương lai Tổ quốc với 50 ghế, đảng Wafd 45 ghế.
Các báo cáo sơ bộ cho thấy khoảng 100 nhân vật dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak đủ tư cách tiếp tục tham gia vòng bổ sung giai đoạn hai, trong khi 30 nhân vật thuộc chế độ Mubarak đã giành ghế trong Quốc hội ở giai đoạn một và có thể gia nhập các đảng thế tục để ủng hộ Tổng thống Al-Sisi trong Quốc hội sắp tới.
Theo HEC, vòng bổ sung giai đoạn hai cuộc bầu cử Quốc hội của Ai Cập diễn ra trong điều kiện an ninh được siết chặt hơn. Khoảng 160.000 binh lính quân đội và 150.000 cảnh sát được triển khai để bảo đảm an toàn cho cử tri và các điểm bỏ phiếu.
Kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Quốc hội gồm 2 giai đoạn với 4 vòng bỏ phiếu dự kiến sẽ được công bố ngày trong ngày 3/12. Với 596 ghế, bao gồm 448 ghế độc lập, 120 ghế theo danh sách đảng và 28 ghế do Tổng thống chỉ định, Quốc hội mới của Ai Cập sẽ có phiên họp đầu tiên vào cuối năm nay.
Bầu cử Quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013.
Cuộc bầu cử Quốc hội của Ai Cập trước đó đã được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập phán quyết rằng các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh hoãn cuộc bầu cử Quốc hội cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này./.