Agribank tạo sức bật mới, phát triển kinh tế tuần hoàn tại địa phương

Với vai trò là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, Agribank góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp có giá trị hàng hóa cao trên thị trường.
Trang trại gà Hải Thêu của gia đình ông Đào Xuân Hải tại xã Hướng Đạo, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Vietnam+)

Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm đạt được lợi ích kép về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tích cực triển khai nhiều giải pháp góp phần cùng hệ thống chính trị thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn. 

Xu hướng của nông nghiệp bền vững

Chúng tôi về trang trại chăn nuôi giống gia cầm "Hải Thêu" tại xã Hướng Đạo, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc theo lời giới thiệu đây là “Một trong những trang trại chăn nuôi điển hình trên địa bàn tỉnh.” Quả thật, những gì tai nghe, mắt thấy tại đây khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Đúng với nghĩa "điển hình," mô hình chăn nuôi của Hải Thêu được đầu tư một cách bài bản với quy mô, vượt xa nhiều mô hình trang trại, chăn nuôi khác.

Trang trại được xây dựng với quy trình sản xuất khép kín gồm 3 khu lò ấp với 60 máy; 31 chuồng chăn nuôi cho gà từ 1 ngày tuổi đến gà đang sản xuất trứng có lắp đặt máy pha thuốc, hệ thống quạt gió, giàn mát chủ động điều chỉnh nhiệt độ chuồng; một xưởng sản xuất cám với công suất 14 tấn/ngày, 2 khu nhà lạnh bảo quản trứng, tiêm vaccine...

[Ngân hàng Agribank - khẳng định vai trò chủ lực đầu tư tam nông]

Ngoài ra các máy tiêm tự động bằng cảm ứng từ, dụng cụ thụ tinh nhân tạo, trạm biến áp, máy phát điện và nhiều máy móc hiện đại khác cũng được được trang bị phục vụ công tác chăn nuôi.

Chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu lập nghiệp, ông Đào Xuân Hải, chủ trang trại Hải Thêu cho biết, gia đình ông bắt đầu thuê đất chăn nuôi gà, sản xuất con giống từ năm 1998. Lúc đầu, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, với số tiền ít ỏi tích lũy được, chỉ dám nuôi 2.000 con gà đẻ. Vừa chăn nuôi, vừa đầu tư mở rộng dần.

Lúc đó, gia đình ông muốn mở rộng quy mô chăn nuôi để thoát nghèo nhưng không vay vốn được ở đâu vì không người quen, không họ hàng ở vùng đất này.

Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình ông đã được Agribank cho vay 50 triệu đồng. Sau đó hai vợ chồng vừa làm vừa tích lũy.

“Trong giai đoạn COVID vừa qua, gia đình tôi đứng ngồi không yên khi khoảng 17.000 con gà không bán được. Tổng số gà con trị giá gần 40 tỷ đồng buộc phải bán rẻ chỉ bằng 1/3 giá thành, thiệt hại tương đối nặng nề. Lúc đó tôi quyết định bằng giá nào cũng phải giữ lại đàn gà và đã đến làm việc với các anh bên Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc. Cán bộ ngân hàng nhiệt tình tư vấn và quyết định cho chúng tôi vay 3 tỷ đồng đồng để mua cám, trả lương cho công nhân. Điều này đã giúp gia đình vượt qua sóng gió. Agribank luôn là chỗ dựa vô cùng tin cậy với gia đình chúng tôi,” ông Hải chia sẻ.

Hiện, quy mô trang trại gà của ông Hải có tới hơn 200.000 con. Mỗi tháng doanh thu khoảng 5-6 tỷ đồng, có năm gà được giá thì nhiều hơn. Riêng 6 tháng đầu năm nay, lãi 500-700 triệu/tháng. Đến thời điểm này dư nợ của ông Hải tại Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Một mô hình khác cũng nhờ vào nguồn vốn của Agribank đã phát huy hiệu quả tại tỉnh Vĩnh Phúc. Mạnh dạn đổi mới, kiên trì, chịu khó học hỏi cộng với việc áp dụng kỹ thuật khoa học công nghệ trong chăn nuôi lợn, ông Phạm Văn Hải, thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hiện trang trại lợn của gia đình ông Hải có hơn 100 con lợn nái, gần 1.000 con lợn bột và lợn con. Trung bình mỗi tháng sẽ cho xuất chuồng 200 con, trừ chi phí mỗi năm, trang trại cho thu nhập khoảng gần 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lợi nhuận chia trung bình từ 500.000-700.000 đồng/con. 

Trang trại lợn của gia đình ông Hải tuân thủ nội quy quản lý “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và được xây dựng đúng chuẩn kỹ thuật, được trang bị hệ thống thông gió, sưởi ấm, làm mát. 

Vệ sinh chuồng trại được bảo đảm nghiêm ngặt; khoảng cách từ cổng đến trang trại nuôi lợn là 100m, được rải vôi khử trùng và có nhân viên kiểm tra theo quy định. 

Mỗi ngày đàn lợn đều được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng; định kỳ 3 ngày sẽ phun thuốc khử trùng một lần để bảo đảm an toàn. Các vấn đề vệ sinh về nguồn nước, nguồn thức ăn đều được chú trọng nhằm tăng cường khả năng đề kháng cho đàn lợn.

Ông Hải cho biết, nếu không có nguồn vốn tín dụng của Agribank thì gia đình ông cũng không có trang trại như ngày hôm nay. Hiện dư nợ tại ngân hàng này của gia đình ông Hải khoảng hơn 1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ 0,5%/tháng.

Ông Trần Đức Long - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc (phải) đến làm việc tại trang trại gà Hải Thêu của gia đình ông Đào Xuân Hải (trái). (Ảnh: Vietnam+)

Ông Hải nhớ lại, mấy năm trước, ông đã vay vốn của Agribank chi nhánh huyện Lập Thạch để mở rộng chuồng trại, tuy nhiên, thời điểm đó dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng, giá lợn hơi xuất chuồng giảm từng ngày, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng khiến gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc này, ông được Agribank chi nhánh huyện Lập Thạch hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ… Đây là sự chia sẻ rất kịp thời, giúp gia đình ông vượt qua khó khăn.

“Sự đồng hành, chia sẻ của Agribank chi nhánh huyện Lập Thạch với người dân và khách hàng ảnh hưởng của dịch COVID-19 chính là nguồn lực to lớn giúp khách hàng, cộng đồng vững tin vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch," ông Hải tâm sự.

Hiện thực hệ sinh thái tuần hoàn trong nông nghiệp

Với vai trò chủ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, hàng năm, nguồn vốn Agribank đầu tư cho "Tam nông" (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) luôn chiếm 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn nhất thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Dòng vốn tín dụng của Agribank được tập trung vào sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi gia súc gia cầm…

Thời gian qua, với vai trò là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, Agribank đã góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường khó tính và tìm được chỗ đứng tại thị trường khu vực và thế giới. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bước đầu đã tạo được sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Ông Trần Đức Long - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, cho vay phát triển kinh tế, nông nghiệp-nông thôn là nhiệm vụ chính trị gắn với sứ mệnh của Agribank. Chính vì vậy, Agribank luôn coi đây là thị trường trọng điểm, cốt lõi để đầu tư nhiều nguồn lực gìn giữ và phát triển.

Đến thời điểm 31/7, dư nợ cho vay trên địa bàn nông nghiệp-nông thôn của Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc đạt 9.200 tỷ đồng chiếm 70%/tổng dư nợ chi nhánh. Trong quá trình cho vay nông nghiệp-nông thôn, Agribank Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc tích cực tìm kiếm dự án mô hình sản xuất kinh doanh phương án hiệu quả để đầu tư vốn như nông nghiệp sạch, công nghệ cao, mô hình liên quan đến kinh tế tuần hoàn…

Ông Long cho biết thêm, trong thời gian qua chi nhánh đã tích cực cơ cấu lại thời hạn trả nợ không chuyển nhóm nợ cho khách hàng. Đây là chính sách rất hiệu quả trong bối cảnh khách hàng gặp nhiều khó khăn chịu áp lực trả nợ gốc, lãi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục