Afghanistan với một cuộc chiến 'bế tắc' trong suốt 19 năm

19 năm đã trôi qua, Afghanistan vẫn chưa yên tiếng súng, nhiều vụ tấn công đã và đang xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường.
Chuyển một em nhỏ bị thương trong vụ đánh bom xe nhằm vào tòa nhà chính quyền huyện Ghani Khel, tỉnh Nangarhar (Afghanistan) tới bệnh viện, ngày 3/10/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Gần 2 thập kỷ sau khi Mỹ tiến hành các cuộc không kích chống chính quyền Taliban cầm quyền khi đó ở Afghanistan, bắt đầu "khai hỏa" cuộc chiến được cho là dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, đất nước Tây Nam Á này vẫn đang đứng trước vô vàn khó khăn.

Việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan sau các vụ không kích ngày 7/10/2001, đã nhanh chóng lật đổ chế độ Taliban - mà Washington cho là đã hỗ trợ tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda - đứng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, khiến gần 3.000 người ở Mỹ thiệt mạng chỉ vài tuần trước đó.

Thế nhưng, 19 năm đã trôi qua, Afghanistan vẫn chưa yên tiếng súng, nhiều vụ tấn công đã và đang xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường.

Do đó, dù ngày 19/2 vừa qua, Taliban và Mỹ ký thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột, và hiện lực lượng này cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Afghanistan, song nhiều người dân Afghanistan vẫn đang "sống trong sợ hãi," do lo ngại nguy cơ lực lượng Taliban mở rộng tầm ảnh hưởng.

[Tấn công liều chết tại Afghanistan khiến 11 người thiệt mạng]

Hơn ai hết họ chính là những nhân chứng sống dưới chế độ tàn khốc của Taliban, từng chứng kiến lực lượng này sát hại phụ nữ với cáo buộc ngoại tình, tấn công các cộng đồng tôn giáo thiểu số, cấm trẻ em đi học.

Như chia sẻ của cô Katayoun Ahmadi, một bà mẹ, 26 tuổi, đang sống ở thủ đô Kabul: "Chế độ Taliban giống như một cơn ác mộng" và cô rất lo ngại cho tương lai của mọi người và của chính con gái cô. Ahmadi nhớ lại hình ảnh những ngón tay và bàn tay đẫm máu, đứt lìa trên đường phố Kabul dù chủ nhân của chúng chỉ phạm những tội rất nhỏ.

Việc chế độ Taliban bị lật đổ từng làm dấy lên hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho giới trẻ Afghanistan, đặc biệt là những trẻ em gái, mở ra một Hiến pháp mới đảm bảo một số quyền tự do trong đó có quyền được học hành.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha (Qatar), bắt đầu từ tháng trước, Taliban nhắc rất ít tới các vấn đề như quyền của phụ nữ.

Còn anh Farzad Farnood, 35 tuổi, chồng của Ahmadi, và là một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Afghanistan cho rằng việc gia tăng các vụ bạo lực liên quan đến Taliban kể từ khi lực lượng này ký kết thỏa thuận với Washington cho thấy về bản chất Taliban không hề thay đổi.

Trên thực tế, việc Mỹ đưa quân tới Afghanistan đã gây tổn hại rất lớn đối với cường quốc số 1 thế giới này, khi Washington phải tiêu tốn tới hơn 1.000 tỷ USD và mất đi mãi mãi khoảng 2.400 binh sỹ. Ngay cả Lầu Năm góc còn mô tả cuộc chiến này là bế tắc.

Dù Taliban và Chính phủ Afghanistan đang tiến hành đàm phán ở Doha, song tiến trình này chắc chắn phải kéo dài vài năm mới có thể tìm được tiếng nói chung trong một loạt vấn đề.

Còn người dân cũng đang rất quan ngại việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể giúp Taliban nắm quyền ở Afghanistan. Nếu điều này xảy ra, không ai dám khẳng định một tương lai tốt đẹp đón đợi đất nước Tây Nam Á này ở phía trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục