Afghanistan: Thảm họa kinh tế sẽ tệ hơn vì quyền của phụ nữ bị hạn chế

Các sắc lệnh hạn chế quyền của phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho LHQ, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất kinh tế và thậm chí cả dòng viện trợ cho nước này.
Phụ nữ Afghanistan mặc trang phục Burqa tại Ghanzni, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn nghiên cứu “Triển vọng kinh tế-xã hội Afghanistan 2023” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 18/4 cảnh báo triển vọng phục hồi của quốc gia Tây Nam Á này sẽ vẫn ảm đạm nếu việc giáo dục của trẻ em gái và việc làm của phụ nữ không được đảm bảo.

Nghiên cứu nêu rõ sản lượng kinh tế của Afghanistan đã giảm 20,7% sau khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021.

Bất chấp những dấu hiệu phục hồi, như tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, xuất khẩu và nhu cầu lao động ngày càng tăng và lạm phát giảm, GDP của Afghanistan dự kiến tiếp tục giảm 3,6% trong năm 2022.

Theo Đại diện UNDP thường trú tại Afghanistan Abdallah Al Dardari, dòng viện trợ nước ngoài bền vững, lên tới 3,7 tỷ USD vào năm 2022, đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của Afghanistan.

Báo cáo mới dự đoán GDP của Afghanistan trong năm nay có thể tăng 1,3% nếu viện trợ nước ngoài vẫn ở mức 3,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, triển vọng phục hồi kinh tế vẫn yếu trong dài hạn, đặc biệt nếu viện trợ nước ngoài bị rút lại do các chính sách hạn chế của Taliban.

Bà Kanni Wignaraja, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNDP cảnh báo: “Sẽ không có sự phục hồi bền vững nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ Afghanistan trong nền kinh tế và đời sống công cộng, bao gồm việc thực hiện các dự án nhân đạo và tiết kiệm sinh kế. Chỉ có đảm bảo tính liên tục trong giáo dục dành cho trẻ em gái, cũng như khả năng theo đuổi công việc và học tập của phụ nữ mới có thể duy trì hy vọng về bất kỳ tiến bộ thực sự nào.”

[Mùa khai giảng năm học mới vắng học sinh tại Afghanistan]

Các sắc lệnh hạn chế quyền của phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho Liên hợp quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất kinh tế và cũng có thể ảnh hưởng đến dòng viện trợ.

Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tháng 12/2022, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, song Liên hợp quốc được miễn trừ khỏi lệnh cấm này.

Tuy nhiên, vào ngày 4/4 vừa qua, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, cho biết chính quyền Taliban đã ban hành lệnh cấm phụ nữ làm việc cho phái bộ của Liên hợp quốc ở nước này.

Bên cạnh đó, còn có những "cơn gió ngược" phát sinh từ các yếu tố địa chính trị bất lợi và khó khăn kinh tế ở các nước láng giềng có thể lan sang Afghanistan.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng những người nghèo ở Afghanistan đã phải viện tới các biện pháp cực đoan để tồn tại.

Một số người buộc phải bán nhà cửa, đất đai hoặc tài sản tạo ra thu nhập. Số người sống trong cảnh nghèo đói đã tăng vọt từ 19 triệu vào năm 2020 lên 34 triệu vào năm 2022.

Đại diện UNDP Al Dardari cảnh báo nếu viện trợ nước ngoài giảm trong năm nay, Afghanistan có thể "rơi xuống vực thẳm"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục