Ngày 14/2, Cơ quan Bảo vệ Môi trường quốc gia Afghanistan (NEPA) thông báo đã chỉ thị các đơn vị liên quan tiếp tục thu gom rác thải y tế.
Tuyên bố của NEPA nêu rõ một số công ty tư nhân trước đây thường thu gom rác thải y tế từ tất cả các bệnh viện công và tư theo hợp đồng.
Những rác thải này được các công ty hoặc bệnh viện xử lý trong các lò đốt dưới thời chính phủ cũ ở Afghanistan, trước khi lực lượng Taliban lên nắm chính quyền tại quốc gia Tây Nam Á này.
Tuy nhiên, quy trình xử lý trên đang ngưng trệ, rác thải y tế đang bị vứt bỏ lẫn với chất thải sinh hoạt khu vực thành phố, gây mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Chính vì vậy, chính quyền mới tại Afghanistan cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và các đơn vị chức năng cần phải nối lại quy trình xử lý rác thải y tế.
[WHO và Taliban thảo luận khủng hoảng y tế tại Afghanistan]
Trước đó, ngày 13/2, NEPA đã tổ chức cuộc họp, đi đến thống nhất rằng cần phải tăng cường giám sát rác thải y tế ở các tỉnh, thành phố cũng như phải giải quyết vấn đề quản lý rác thải y tế.
Theo các báo cáo, thủ đô Kabul của Afghanistan là 1 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đối với nhiều người Afghanistan, ô nhiễm môi trường là "kẻ giết người thầm lặng."
Hiện nay, quốc gia Á này không chỉ đối mặt với tình trạng ô nhiễm mà còn chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng thấy. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước vào tháng Tám năm ngoái, cộng đồng quốc tế chưa chính thức công nhận chính quyền này.
Liên hợp quốc cho biết hơn 50% trong tổng số 38 triệu người dân Afghanistan đang lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng.
Rác thải y tế cũng đang trở thành vấn đề toàn cầu đe dọa sức khỏe của nhân viên y tế, bệnh nhân, công nhân thu gom rác và bất kỳ ai thường xuyên tiếp xúc với chất thải độc hại của các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế khác.
Trong báo cáo công bố ngày 1/2 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hàng chục nghìn tấn chất thải y tế tạo ra trong 2 năm qua đã gây ra áp lực lớn lên hệ thống xử lý./.