AFF Cup 2020: Đội tuyển Việt Nam và bài học từ Thái Lan

Người Thái không ngần ngại thể hiện tham vọng "lật đổ" đội tuyển Việt Nam để giành lại chức vô địch Đông Nam Á nên mục đích sau cùng của họ là kết quả chứ không phải là lối chơi đẹp.
AFF Cup 2020: Đội tuyển Việt Nam và bài học từ Thái Lan ảnh 1Tiền vệ Phan Văn Đức tranh bóng trên không với các cầu thủ Lào. (Ảnh: TTXVN phát)

Điểm số và cách chơi, thật khó để đòi hỏi đội tuyển Việt Nam, Thái Lan hay bất cứ đội bóng nào ở AFF Cup 2020 có thể đạt được cùng một lúc và thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo dù đang là đương kim vô địch nhưng vẫn có những điều cần và nên học hỏi.

Bảng B với đội tuyển Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Lào cùng Campuchia thi đấu sau bảng A một ngày nên có điều kiện được chứng kiến những chiến thắng của Thái Lan và Singapore trước Timor Leste và Myanmar.

Nếu để làm một phép so sánh đơn giản thì điểm chung gần như là duy nhất giữa hai trận đấu này chỉ là 3 điểm trọn vẹn và chiến thắng dành cho đội tuyển Thái Lan hay Singapore nhưng cách hai đội bóng này đi đến kết quả đó lại trái ngược hoàn toàn.

Trong khi Thái Lan phải sang đến hiệp 2 mới có thể hai lần đưa được bóng vào lưới Timor Leste thì Singapore chỉ cần 45 phút thi đấu của hiệp 1 để quyết định tỷ số chung cuộc 3-0.

[HLV Park Hang-seo: Trận Việt Nam-Malaysia là "chung kết" của vòng bảng]

Với cổ động viên của đội tuyển Thái Lan, chắc chắn không ai bị thuyết phục khi chứng kiến lối chơi của đội nhà nhưng như huấn luyện viên trưởng Alexandre Polking khẳng định với ông, quan trọng là 3 điểm và ông hạnh phúc vì điều đó, dù cho đội bóng giành chiến thắng bằng cách nào đi chăng nữa.

Ông Polking, một huấn luyện viên quen thuộc với cả bóng đá Thái Lan lẫn Việt Nam nhưng với đội tuyển quốc gia Thái Lan, công việc khá mới mẻ. Thậm chí, với quỹ thời gian của ông chỉ có 4 ngày tập trung đội tuyển trước khi lên đường sang Singapore dự AFF Cup.

Đó là chưa kể đến việc hai cầu thủ nổi bật nhất của đội tuyển Thái Lan Theerathon Bunmathan và Chanathip Songkrasin từ J-League trở về muộn nên chỉ có thể ra sân từ lượt trận thứ hai.

Vậy thì việc sút rất nhiều nhưng chỉ có thể ghi được 2 bàn vào lưới đối thủ yếu nhất AFF Cup như Timor Leste với đội tuyển Thái Lan là có thể thông cảm.

Người Thái không ngần ngại thể hiện tham vọng "lật đổ" đội tuyển Việt Nam để giành lại chức vô địch Đông Nam Á nên mục đích sau cùng của họ là kết quả chứ không phải là lối chơi đẹp.

So với đội tuyển Việt Nam được tập trung và thi đấu liên tục trong năm qua nhờ là đại diện duy nhất của khu vực lọt đến vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 thì cầu thủ Thái Lan với một huấn luyện viên mới như Polking gặp bất lợi.

Ít thi đấu cùng nhau, thời gian tập luyện cũng ít vì thế chuyện bế tắc trước một đội bóng chỉ lo phòng ngự, tập trung tất cả tinh thần, sức lực cho công việc phòng ngự như Timor Leste là kịch bản mà đội tuyển Thái Lan đã lường trước.

AFF Cup không chỉ có những đội mạnh, các ứng cử viên vô địch mà vẫn còn có đội bóng yếu đặt mục tiêu khiêm tốn hơn là vượt qua vòng bảng hay đơn giản hơn là kiếm điểm, hạn chế tối đa số bàn thua.

Timor Leste là một trường hợp như thế mà những đối thủ của đội tuyển Việt Nam sau Lào còn có Campuchia. Với họ sẽ là bất ngờ nếu cầm chân được đương kim vô địch là đội tuyển Việt Nam, bằng không thì thua với số bàn ít nhất có thể và sự lựa chọn duy nhất để thực hiện ý đồ đó là chơi phòng ngự số đông.

Cách chơi của những đội bóng “cửa dưới” như vậy gây ra nhiều khó khăn cho những đội mạnh như Thái Lan hay đội tuyển Việt Nam. Vì thế, nhiệm vụ hóa giải hàng phòng ngự, lối chơi phòng ngự chủ động của các đội bóng yếu cũng là một phần chiến lược của những đội cửa trên.

Quá nhiều bài học, kinh nghiệm đã được các cầu thủ đội tuyển Việt Nam tích lũy trong những năm qua và toàn đội đã thể hiện bằng chiến thắng 2-0 trước Lào trong trận đấu đầu tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục