Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) cho biết Hiệp định Thương mại Tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) có thể giúp khai phá tiềm năng xuất khẩu nội khối khi thỏa thuận thương mại lịch sử này chính thức đi vào giai đoạn thực thi theo dự kiến từ ngày 1/1/2021.
Afreximbank dự đoán AfCFTA mở ra cơ hội khai thác tiềm năng xuất khẩu nội khối có thể tăng lên tới hơn 231 tỷ USD, tương đương khoảng 22% tổng thương mại châu Phi.
Các nhà phân tích cho rằng châu Phi có thể trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo khu vực với thị trường tiềm năng 1,2 tỷ người và Tổng sản phẩm quốc nội toàn khối đạt 2.500 tỷ USD, khi AfCFTA được áp dụng đầy đủ vào năm 2030.
Khu vực phía Nam châu Phi chiếm phần lớn lợi nhuận tiềm năng, từ các lĩnh vực “đã được chứng minh là có khả năng cạnh tranh quốc tế và có triển vọng xuất khẩu thành công ở các thị trường châu Phi khác,” chẳng hạn như hàng hóa khoáng sản, máy móc, sản phẩm thực phẩm, xe cộ và phụ tùng, nhựa và cao su.
Tiềm năng xuất khẩu lớn hơn của miền Nam châu Phi và cả Bắc Phi phần lớn phản ánh tính chất phức tạp và tiến bộ của các nền kinh tế Nam Phi và Ai Cập, trong đó các sản phẩm công nghiệp và hàng hóa sản xuất là những động lực hàng đầu của thương mại chính thức xuyên biên giới. Nam Phi và Ai Cập chiếm khoảng 50% tiềm năng xuất khẩu của các khu vực tương ứng.
Thư ký Ủy ban Hành động quốc gia về AfCFTA của Nigeria Francis Anatogu cho biết với việc đồng ý phê chuẩn AfCFTA ngay trước phiên họp đặc biệt ngày 5/12 vừa qua của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi, nền kinh tế lớn nhất lục địa đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu thương mại lên mức 50 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới.
[Hướng đi mới để châu Phi tự phục hồi kinh tế sau đại dịch]
Afreximbank cho biết trong khi thương mại toàn cầu năm 2019 giảm 2,89%, một phần do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, tổng thương mại hàng hóa của châu Phi chỉ giảm 0,13%, đạt khoảng 1.000 tỷ USD. Mức giảm nhỏ hơn phản ánh nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối và “thu hút sự đa dạng hóa của các đối tác thương mại để duy trì tăng trưởng kinh tế và mở rộng thương mại.”
Patrick Akinwuntan, Giám đốc điều hành ngân hàng Nigeria Ecobank với diện khách hàng bao phủ châu Phi, đánh giá để tạo thuận lợi cho thương mại theo thỏa thuận, châu lục cần sớm đưa ra một phương tiện thanh toán thống nhất.
Các ngân hàng trung ương châu Phi đã bắt đầu quá trình thúc đẩy liên kết các hệ thống thanh toán xuyên biên giới lớn hiện có của lục địa này.
CEO Akinwuntan khẳng định châu Phi “cần tìm ra một tiêu chí hội tụ để đảm bảo rằng toàn bộ châu lục có thể tạo ra giá trị tiền tệ có thể chấp nhận được” để “có thể cạnh tranh với thế giới.”
Thỏa thuận toàn châu Phi AfCFTA nhằm tăng cường thương mại nội khối thông qua cắt giảm giảm hoặc loại bỏ thuế quan xuyên biên giới đối với phần lớn hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển vốn và người dân, thúc đẩy đầu tư và mở đường cho một liên minh thuế quan trên toàn châu lục.
Toàn bộ 54 nước thành viên của Liên minh châu Phi đã ký gia nhập AfCFTA, trong đó 34 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định.
Theo Afreximbank, hiệp định sẽ giúp châu Phi chống chọi trước những cú sốc như các bất ổn tiếp diễn của đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại leo thang, cũng như giảm nguy cơ của châu lục đối với các điều khoản bất lợi về thương mại và chu kỳ giá cả đối với hàng hóa./.