AEBF 13: Thế giới cần tăng hợp tác chống khủng hoảng

Các đại biểu nhất trí châu Á và châu Âu cùng hợp tác để đối phó với khủng hoảng nợ và tăng trưởng bền vững về kinh tế-xã hội-môi trường.
Sau hai ngày làm việc tích cực và khẩn trương, ngày 5/11, Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 13 (AEBF 13) đã kết thúc tốt đẹp.

Với chủ đề chính “Chăm sóc Trái Đất vì kinh tế và kinh doanh bền vững ở châu Á và châu Âu,” các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như: các xu hướng hiện nay và tương lai trong quan hệ kinh tế và kinh doanh giữa châu Á và châu Âu; triển vọng tăng trưởng ở châu Á và châu Âu; tiếp cận tài chính; môi trường và an ninh lương thực, năng lượng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thị trường và kết nối giữa châu Âu và các Tiểu vùng của châu Á mà trọng tâm là Tiểu vùng Mekong mở rộng…

Các cuộc thảo luận cũng đã đề cập đến tình hình kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, sự giảm sút kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng như những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp châu Á và châu Âu đang phải đối mặt; trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.

Các đại biểu cho rằng châu Á và châu Âu sẽ phải tiến hành cải cách cơ cấu để đối phó khủng khoảng và nhất trí hai châu lục Á và Âu cùng hợp tác để tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

AEBF 13 đã đưa ra một loạt kiến nghị để trình lên ASEM 9, trong đó có các thông điệp chính, đó là cần có một môi trường ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế, dỡ bỏ những trở ngại đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như đầu tư; các chính phủ ASEM cần ủng hộ sự cạnh tranh của các công ty bằng việc dỡ bỏ các nguyên tắc phân biệt đối xử, tuân thủ các nguyên tắc chung đã được thoả thuận; cạnh tranh lành mạnh và một môi trường pháp lý ổn định là điều kiện để doanh nghiệp phát triển và quan tâm đối với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là vấn đề tài chính trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng; các doanh nghiệp hiểu tầm quan trọng của sự phát triển bền vững và cố gắng hợp tác với các chính phủ trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng…

Tuyên bố của Chủ tịch AEBF 13 tại phiên bế mạc nêu rõ, năm 2012 kinh tế thế giới vẫn phải đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008-2009 nên các bên phải tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực từ thương mại, đầu tư, trao đổi công nghệ… để thúc đẩy phát triển bền vững của hai châu lục và thế giới như chủ đề chính mà ASEM đã chọn là “Bằng hữu vì hòa bình, đối tác vì phồn vinh”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục