ADMM+: Tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực

Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tái khẳng định cam kết hướng đến hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực thông qua việc tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: (Ngọc Quang-Hữu Kiên/TTXVN)
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: (Ngọc Quang-Hữu Kiên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 18/11, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 với chủ đề “An ninh bền vững” đã diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, LB Nga và Mỹ.

Tại hội nghị, các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM+ trong việc củng cố an ninh khu vực một cách vững mạnh, hiệu quả và cởi mở, góp phần xây dựng niềm tin.

ADMM+ cũng là một cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh thiết thực giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác để ứng phó với các nguy cơ an ninh chung trong khu vực, đồng thời vẫn bảo đảm vai trò trung tâm và sự đoàn kết trong ASEAN.

Các bộ trưởng khẳng định các cuộc đối thoại và hoạt động diễn tập trong khuôn khổ các nhóm chuyên gia ADMM+ đã góp phần xây dựng năng lực, tăng cường khả năng phối hợp giữa các nước ADMM+ nhằm giải quyết các vấn đề an ninh, đem lại lợi ích chung cho khu vực.

Các bộ trưởng khẳng định sẽ đóng góp tích cực để đem lại thành công cho năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch.

[Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ADMM và ADMM+]

Hội nghị thảo luận các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống đang nổi lên như khủng bố, mặt trái của sự phát triển của công nghệ và an ninh mạng.

Các bộ trưởng cũng trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông; đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới.

Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), mong muốn sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhận định hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chính, trong đó các cơ chế hợp tác an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Chia sẻ những đánh giá và quan ngại của các trưởng đoàn về diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng, toàn diện và sâu sắc hơn, từ các vấn đề biến đổi khí hậu, cướp biển, an ninh mạng cho đến những tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ.

ADMM+: Tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực ảnh 1Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại ADMM+ lần thứ 6. (Ảnh: Ngọc Quang-Hữu Kiên/TTXVN)

Đặc biệt, nhiều dấu hiệu tiềm tàng xuất hiện, có nguy cơ trở thành các điểm nóng nếu như không được hóa giải và ngăn chặn kịp thời.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng các quốc gia trong khu vực cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau xử lý hiệu quả các khác biệt, ngăn chặn sớm các vấn đề có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh; nhấn mạnh việc đề cao luật pháp quốc tế, phát huy trách nhiệm cộng đồng, đặc biệt là trách nhiệm của các cường quốc, cũng như phát huy các cơ chế hợp tác song phương và đa phương hiện có trong khu vực.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, để các quốc gia trong khu vực, không phân biệt lớn nhỏ, có thể hợp tác thực chất và chân thành trong hóa giải các thách thức an ninh trong khu vực, vấn đề quan trọng hàng đầu là lòng tin.

Quá trình xây dựng, củng cố lòng tin đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và phải được củng cố, vun đắp thường xuyên trên cơ sở những nguyên tắc, hành động cụ thể.

Quá trình xây dựng lòng tin cần có sự thống nhất giữa lời nói và hành động, minh bạch trong hoạch định và thực hiện chính sách, hài hòa lợi ích quốc gia riêng với lợi ích của nước khác và lợi ích chung của khu vực; đặc biệt, mọi hành động phải là phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ những căng thẳng vừa qua trên Biển Đông đã cho thấy một khi luật pháp quốc tế không được tôn trọng, thì an ninh, ổn định khu vực nói chung và trên biển nói riêng sẽ bị đe dọa.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định hòa bình trên Biển Đông không chỉ là lợi ích của các bên trực tiếp liên quan mà là vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế.

Giải quyết vấn đề Biển Đông trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng là nền tảng để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; các bên tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của nhau được quy định trong UNCLOS 1982, tránh có những hành động làm phức tạp tình hình, căng thẳng leo thang.

Việt Nam tích cực cùng với ASEAN và Trung Quốc xây dựng COC thực chất và hiệu quả.

Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 đã ra thông cáo chung, trong đó, các bộ trưởng tái khẳng định cam kết hướng đến hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực thông qua việc tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, đẩy mạnh hợp tác, tương tác với các đối tác tiềm năng cũng như ứng phó trên tinh thần tập thể, mang tính xây dựng đối với những diễn biến toàn cầu, các vấn đề an ninh dựa trên quan hệ hữu nghị và cùng có lợi.

Thông cáo chung nêu rõ, các bộ trưởng cam kết đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh.

[Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch kêu gọi ASEAN thúc đẩy gắn kết nội khối]

Điều này bao gồm việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, bao gồm UNCLOS 1982, duy trì và tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, cũng như thúc đẩy hợp tác để ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh khu vực một cách bền vững, đặc biệt là thông qua các Nhóm chuyên gia ADMM+ và các cơ chế an ninh do ASEAN dẫn dắt dựa trên sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

ADMM+: Tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực ảnh 2Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn quốc phòng chụp ảnh chung. (Ảnh: Ngọc Quang-Hữu Kiên/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề hội nghị, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, Trưởng nhóm làm việc ADMM và ADMM+, cho biết tại hội nghị hẹp và mở rộng đã thảo luận rất nhiều vấn đề an ninh nổi cộm khu vực, trong đó có vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố, an ninh mạng và đặc biệt là duy trì ổn định trên Biển Đông.

Theo Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, đây là vấn đề mà các nước ASEAN và các nước đối tác rất quan tâm vì cùng chia sẻ quan điểm rằng những gì xảy ra ở Biển Đông vừa qua là do những ứng xử không đi đôi giữa lời nói và hành động và nó đã vượt ra ngoài phạm vi cam kết quốc tế như là Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và có những hành xử không tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước.

Chính vì vậy, điều này tạo ra sự quan ngại cho các nước trong khu vực, kể cả các nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng cũng nêu rõ với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các sáng kiến của các nước thành viên ASEAN.

Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và đối tác đánh giá lại quá trình hợp tác 10 năm của ADMM+ để đưa ra tầm nhìn về an ninh chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo ra nhận thức chung và đưa ra những định hướng cùng hợp tác, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai, mà Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chủ trì trong các định hướng chiến lược trong giai đoạn dài có thể đến 10 năm sau và hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục