ADB: Việt Nam cần tối đa hóa tác động tích cực của công nghệ số

Ông Stephen P.Groff - Phó Chủ tịch ABD nhận định về triển vọng phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
ADB: Việt Nam cần tối đa hóa tác động tích cực của công nghệ số ảnh 1(Ảnh minh họa: thepitcher.org)

Ngày 11/9, các sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0.”

Bên lề diễn đàn này, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Stephen P.Groff - Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (IR4) đang diễn ra rầm rộ, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao tính cạnh tranh khi Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.

Con người, hạ tầng công nghệ và khung chính sách phù hợp là chìa khoá trong thời đại công nghệ số

Nhận định về chủ đề của hội nghị WEF ASEAN năm nay, ông Stephen P.Groff cho rằng: “Việc hướng sự tập trung vào tinh thần doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một bước đi rất phù hợp và kịp thời, bởi những tiến bộ công nghệ mới như công nghệ robot, trí thông minh nhân tạo, ‘internet vạn vật’ và công nghệ in 3D đang sở hữu tiềm năng to lớn trong hỗ trợ tăng năng suất và cải thiện cuộc sống hàng ngày.”

[Chủ tịch WEF: Doanh nghiệp khởi nghiệp là động lực của công nghệ mới]

Tuy nhiên, để gặt hái được những “trái ngọt” đó, các quốc gia sẽ cần phải “gieo hạt.” Các nghiên cứu của ADB đã chỉ ra rằng những thay đổi nhanh chóng về công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển ngành giáo dục và đào tạo nghề ở các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Những thay đổi này sẽ buộc các quốc gia phải cân đối giữa những kỹ năng mà lực lượng lao động hiện có với nhu cầu mà một nền kinh tế chuyển đổi (trong thời kỳ IR4) cần, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp nhằm đảm bảo rằng thế hệ sau này khi tham gia vào lực lượng lao động sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết nhất để đáp ứng những cơ hội việc làm mới.

Đây là điều vô cùng quan trọng đối với những nền kinh tế như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, vốn đang phải đối mặt với rủi ro gián đoạn thị trường lao động, bởi vì những ứng dụng công nghệ mới như tự động hoá và trí thông minh nhân tạo đang hướng thị trường lao động đến những công việc có tính chất sáng tạo hơn.

Đối với riêng nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh vấn đề nguồn nhân lực, ông Stephen P.Groff cho rằng một trong những thách thức rõ ràng nhất của thời đại công nghệ số là sự cần thiết phải phát triển một nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (IT) mang đẳng cấp thế giới.

“IR4 đòi hỏi hệ thống hạ tầng IT hiện nay phải được cải thiện hoặc thậm chí là thay mới hoàn toàn. Tuy nhiên, song hành với đòi hỏi này sẽ là thách thức về chi phí đối với không chỉ các cơ quan chính phủ mà còn đối với cả khối những doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.”

Để khắc chế những thách thức này, Phó Chủ tịch ADB cho rằng: “Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một môi trường [kinh doanh] có khả năng tối đa hóa những tác động tích cực của công nghệ số, trong đó một nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vững chắc là tối quan trọng. Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ đầu tư công-tư vào hạ tầng viễn thông và kết nối internet, nhằm tạo ra một cấu trúc thượng tầng cho nền kinh tế kỹ thuật số...”.

Làm được những điều này, các loại rủi ro khi vận hành trong thời đại kinh tế số, ví dụ như chia sẻ dữ liệu riêng tư, tội phạm mạng, gian lận; nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố hay các cuộc tấn công mạng, cũng sẽ được đẩy lùi.

Triển vọng phát triển của AEC và sự hội nhập sâu rộng của kinh tế Việt Nam

ASEAN là mô hình hợp tác và hội nhập của nhiều nền kinh tế đang phát triển, là cánh cửa giúp đưa các nền kinh tế thành viên đến với phần còn lại của thế giới và tạo cơ hội để họ hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực.

Song hành cùng sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là những tiến bộ (mà các quốc gia ASEAN đã đạt được) trong việc giảm thuế quan, hỗ trợ thương mại và tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại dịch vụ xuyên biên giới.

Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với sự phát triển của AEC hiện nay là những chính sách cải cách mang tính nhạy cảm về mặt chính trị, ví dụ như chính sách về lao động, cạnh tranh cũng như luật sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, ngoài việc đi trước đón đầu những kỹ năng cần thiết trên thị trường lao động, áp lực phải kiến tạo ra việc làm mới để đáp ứng lực lượng lao động trẻ dồi dào cũng là không hề nhỏ.

Mặc dù vậy, ông Stephen P.Groff vẫn bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN sẽ vượt qua được những thách thức này nhờ vào tính đa dạng của mình.

Sự tồn tại của AEC sẽ tạo điều kiện để các nền kinh tế trong khu vực tận dụng nguồn tài nguyên đa dạng, cũng như những lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý, những yếu tố sản xuất cũng như nguồn nhân lực riêng biệt cả về mặt giáo dục lẫn nhân khẩu học.

Trong khi mỗi nền kinh tế thành viên theo đuổi một mục tiêu cải cách riêng, khi tập hợp lại họ sẽ tạo thành những khối trụ cột của AEC, giúp đáp ứng nhu cầu và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Nhận định về quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào khu vực, Phó Chủ tịch ADB nói: “Trong vòng 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Sự mở cửa đối với thương mại và đầu tư đã giúp nâng tầm hoạt động xuất-nhập khẩu kết hợp lên khoảng 185% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017 và con số này thậm chí có thể tăng lên mức 200% GDP trong năm 2018.”

Nhà lãnh đạo này nói thêm: “Trong năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng gần 45% so với năm 2016, lên mức cao kỷ lục là 35 tỷ USD.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế và thương mại cao cũng giúp Việt Nam tạo ra những tiến bộ tuyệt vời trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, với 70% dân số hiện được cho là an toàn về mặt kinh tế.

Giống như tất cả những quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn có thể phát triển thêm nữa. Khoảng cách về phát triển trong nội bộ nền kinh tế, cũng như với những nước khác trong khu vực, sẽ có thể tiếp tục được thu hẹp. Nền kinh tế này sẽ được hưởng lợi từ sự nhận thức cũng như đồng thuận về nhu cầu cải cách nền kinh tế nội tại thêm nữa” ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục