ADB phân bổ 25 triệu USD cho Philippines mua vắcxin COVID-19

ADB cho biết khoản tài trợ cho Philippines được trích từ dự án Nâng cấp hệ thống y tế để giải quyết và hạn chế dịch COVID-19, được ngân hàng này phê duyệt từ cuối tháng 8/2020.
ADB phân bổ 25 triệu USD cho Philippines mua vắcxin COVID-19 ảnh 1Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 1/2 thông báo phân bổ 25 triệu USD để giúp Chính phủ Philippines mua vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

ADB cho biết, khoản tài trợ trên được trích từ dự án Nâng cấp hệ thống y tế để giải quyết và hạn chế dịch bệnh COVID-19, được ngân hàng này phê duyệt từ cuối tháng 8/2020.

ADB khẳng định, khoản tài trợ mới được phân bổ cho việc cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 sẽ tuân thủ theo các yêu cầu về khả năng tiếp cận và phù hợp với khuôn khổ Cơ sở tiếp cận vắcxin châu Á-Thái Bình Dương (APVAX) của ngân hàng này (ra mắt vào ngày 11/12/2020 với cam kết tài trợ 9 tỷ USD cho khu vực).

Ngân hàng ADB cho hay các hợp đồng cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 của Philippines với sự tài trợ của ngân hàng, bao gồm cả các khoản thanh toán trực tiếp cho nhà sản xuất vắcxin, sẽ tuân thủ mọi quy tắc và hướng dẫn về mua sắm cũng như các chính sách chống tham nhũng của ADB. 

[Philippines tìm đến Ấn Độ, Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung vắcxin]

Phillippines đưa ra lộ trình sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 60-75% người dân nước này. Philippines đặt mục tiêu mua 148 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 70 triệu người dân trong năm 2021 và giới chức Manila đang tiến hành đàm phán với một số nhà sản xuất vắcxin.

Trong khi đó, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Philippines Rabindra Abeyasinghe cho biết hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) dự kiến sẽ chuyển giao khoảng 117.000 liều vắcxin cho Philippines trong hai tuần giữa của tháng 2/2020, theo khuôn khổ sáng kiến phân bổ vắcxin COVAX của Liên hợp quốc. Ngoài ra, chính quyền Manila cũng đang đàm phán về việc mua vắcxin của tập đoàn AstraZeneca.

Ông Abeyasinghe cũng đánh giá cao việc Philippines sử dụng biện pháp phong tỏa kéo dài để kiểm soát dịch bệnh, giảm áp lực cho hệ thống y tế trong nước. Philippines vẫn thực hiện những mức độ hạn chế phòng dịch khác nhau trong hơn 10 tháng qua, dù điều này đã khiến nền kinh tế suy giảm 9,5% trong năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục