ADB nhận định Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế

Giám đốc ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng tăng trưởng phải bền vững từ khía cạnh môi trường và cũng từ nội tại của sự tăng trưởng, vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may Tinh Lợi, Khu Công nghiệp Nam Sách (Hải Dương). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Với đặc điểm tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc trong năm 2019?

Xung quanh vấn đề này, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - đã đưa ra các nhận định và đề xuất cụ thể trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.

- Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2019 của ADB cho rằng các nền kinh tế lớn của thế giới là các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam đang yếu đi và điều này tạo ra các thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Ông có thể cho biết thêm các nhận định cụ thể về điều này?

Ông Eric Sidgwick: Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á mới nhất, ADB dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, và Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm từ khoảng 2% xuống 1,9% trong năm nay và có thể giảm xuống 1,6% trong năm tới.

Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm lại, với nhịp độ tăng trưởng giảm từ khoảng 6,6% xuống khoảng 6,1%. Đây là những đối tác thương mại lớn chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với nhu cầu được dự báo thấp hơn tại các quốc gia này, hiển nhiên xuất khẩu từ Việt Nam không tránh khỏi bị tác động.

[ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2019]

Tuy nhiên, tin tốt là Việt Nam đã ngày càng đa dạng hóa xuất khẩu. Với triển vọng ký kết các thỏa thuận thương mại tự do mới, một trong số đó là với EU, Việt Nam có thể hưởng lợi phần nào từ căng thương mại Mỹ-Trung trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, xuất khẩu chậm lại ít nhiều nhưng bù lại là nhu cầu tiêu dùng nội địa khá mạnh, đặc biệt là chi tiêu cá nhân.

- Nguy cơ xảy của một cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm sau các cuộc khủng hoảng giai đoạn 1997-1998, 2008 đã được nhiều nhà kinh tế học đề cập đến. Theo quan điểm của ADB, viễn cảnh này có thể xảy ra không thưa ông?

Ông Eric Sidgwick: Theo tôi, dự đoán về khủng hoảng luôn khó bởi cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ khác cuộc khủng hoảng trước đó. Tôi cũng không nghĩ nhiều chuyên gia kinh tế tầm cỡ hiện nay cho rằng cuộc khủng hoảng đang nổi rõ.

Các vị thế bên ngoài hiện đang mạnh hơn. Ngay cả các vị thế khu vực công cũng mạnh hơn mặc dù tồn tại các lo ngại nợ công của các quốc gia đang gia tăng. Hiện bảng cân đối kế toán của khu vực doanh nghiệp cũng đang trong trạng thái tốt hơn so với một thập niên trước hoặc thậm chí hai thập niên trước.

Sản xuất đồ gia dụng tại Công ty TNHH Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dù sao, các nhà hoạch định chính sách có thể hành động để ngăn ngừa khủng hoảng hoặc xử lý khủng hoảng tốt hơn. Điều đầu tiên cần làm là duy trì phân tích thật tốt về những diễn biến của nền kinh tế toàn cầu và những tác động có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Tôi cho rằng Việt Nam đã làm được khá tốt việc phân tích những nguy cơ về khủng hoảng, phản ứng tốt và kịp thời khi khủng hoảng diễn ra.

Thứ hai, cần cải thiện cách thức quản lý dự báo. Môi trường chính sách càng được đảm bảo, càng có nhiều không gian để triển khai các biện pháp điều tiết khi cần và gói chính sách càng đáng tin cậy. Kinh nghiệm cho thấy đây thường là một cách hiệu quả giúp làm dịu diễn tiến của một cuộc khủng hoảng.

- Năm 2018, Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 7,08%. Mới đây, ADB dự báo tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Vậy dự báo đó được đưa ra dựa trên căn cứ nào thưa ông?

Ông Eric Sidgwick: Theo tôi, 6,8% là một tốc độ tăng trưởng rất tốt. Theo quan sát của ADB, tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, xây dựng, chế tạo, dịch vụ của Việt Nam hiện vận hành tốt và tiếp tục duy trì trong năm 2019.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thu hút tốt đầu tư - yếu tố dẫn dắt tăng trưởng tương lai. Nhìn vào tất cả những khía cạnh khác nhau của tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam thì theo tôi đây là “câu chuyện” hay. Ngay cả khi tăng trưởng năm 2019, 2020 có thể khiêm tốn hơn so với mức tăng trưởng rất cao của năm 2018 thì đây vẫn là con số rất cao và thể hiện sự bền vững.

- Ông có các khuyến nghị như thế nào để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh và ổn định trong trung và dài hạn?

Ông Eric Sidgwick: Theo tôi, tăng trưởng phải mang tính bao hàm, các lợi ích của tăng trưởng cần được chia sẻ rộng rãi; tăng trưởng phải bền vững từ khía cạnh môi trường và cũng từ nội tại của sự tăng trưởng. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế.

Đặc biệt, Việt Nam cần có khả năng thích ứng với các thách thức bởi Việt Nam có thể phải đối mặt với các cú sốc khác nhau, bao gồm biến đổi khí hậu, khả năng dễ bị tổn thương về mặt thương mại. Vì vậy, tôi có sáu đề xuất với Chính phủ Việt Nam.

Thứ nhất là Chính phủ cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai là tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng trong mọi lĩnh vực từ năng lượng, vận tải, phát triển đô thị, chương trình thành phố thông minh đến các chương trình biến đổi khí hậu bởi khu vực đô thị sẽ tạo ra phần lớn tăng trưởng kinh tế. Đầu tư phát triển hạ tầng không chỉ là số lượng mà phải là chất lượng.

Thứ ba là tiếp tục phát triển lĩnh vực tài chính, củng cố hệ thống ngân hàng, phát triển thị trường vốn, không chỉ thị trường trái phiếu chính phủ đang phát triển mà còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhằm gia tăng cả về chiều sâu và chiều rộng của lĩnh vực tài chính và giúp thêm nhiều bộ phận người dân tiếp cận tài chính.

Thứ tư là đối phó với biến đổi khí hậu nhất là khi Việt Nam dễ bị tổn thương.

Thứ năm là phát triển kỹ năng con người, đặc biệt là giáo dục đại học, kỹ thuật và dạy nghề. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đổ bộ.

Đề xuất cuối cùng là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Vai trò của chính phủ với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà cố vấn và nhà cung cấp dịch vụ cần tiếp tục được cải thiện nhằm khuyến khích các hoạt động của doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.

Đặc biệt quan trọng là chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, thực sự là một chính phủ hành động nhằm tạo môi trường thông thoáng giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Theo tôi, tất cả các cải cách này đang diễn ra với các tốc độ khác nhau ở các thời điểm khác nhau nhưng đều là những cải cách rất cần thiết, giúp cải thiện căn bản cơ cấu kinh tế, giúp tăng trưởng không chỉ mạnh hơn, bền vững hơn mà còn có khả năng thích ứng và phục hồi tốt hơn trước các tác động bất lợi.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục