ADB nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế châu Á, Việt Nam còn 5,2%

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay đã giảm xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8% trong khi tăng trưởng trong năm 2024 được dự báo duy trì ở mức 6,0%.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay đã giảm xuống còn 5,2% (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 13/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) với việc nâng dự báo đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương, sau khi cầu nội địa mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng cao hơn dự kiến tại Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, ADB cũng đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay đã giảm do sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài.

Cụ thể, nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay, so với mức dự báo trước đó là 4,7% trong tháng Chín. Dự báo tăng trưởng cho năm 2024 được duy trì ở mức 4,8%.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, so với dự báo trước đó là 4,9%, sau khi tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư công đẩy mạnh tăng trưởng trong quý 3. Triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ đã được nâng từ 6,3% lên 6,7% sau mức tăng nhanh hơn dự kiến trong giai đoạn từ tháng Bẩy tới tháng Chín, nhờ tốc độ tăng trưởng hai chữ số của lĩnh vực công nghiệp.

Mức tăng trưởng được nâng lên của Trung Quốc và Ấn Độ giúp bù đắp nhiều hơn mức giảm dự báo của Đông Nam Á, do hoạt động ảm đạm trong ngành sản xuất chế tạo.

Ông Albert Park - chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định: “Châu Á đang phát triển tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức. Lạm phát trong khu vực cũng đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn đó, từ việc lãi suất toàn cầu tăng cao cho đến các hiện tượng khí hậu như El Niño. Các chính phủ ở châu Á và Thái Bình Dương cần phải luôn cảnh giác để bảo đảm nền kinh tế có khả năng thích ứng và tăng trưởng bền vững.”

Cũng theo báo cáo ADO, dự báo lạm phát của khu vực trong năm nay đã giảm từ 3,6% trước đó xuống còn 3,5%. Đối với năm tới, lạm phát được dự kiến tăng lên mức 3,6%, so với mức dự báo trước đó là 3,5%.

Triển vọng tăng trưởng cho Đông Nam Á trong năm nay đã giảm từ 4,6% xuống còn 4,3%, trong bối cảnh nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu suy yếu. Triển vọng của các nền kinh tế ở Caucasus và Trung Á tăng nhẹ, trong khi dự báo đối với các nền kinh tế Thái Bình Dương không thay đổi.

ADB dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với Việt Nam, trước đó, hồi tháng Mười, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam vẫn rất lạc quan rằng Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cả năm là 5,8% trong năm 2023. Điều này dựa trên những tín hiệu tích cực trong ngành dịch vụ và xây dựng.

ADB cũng ghi nhận tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, với giá cả nông nghiệp duy trì ở mức ổn định. Do đó, có một số động lực kinh tế mà chúng tôi tin rằng sẽ đóng góp vào việc giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,8% cho cả năm.

ADB cũng tin rằng việc duy trì động lực đầu tư công đóng vai trò quan trọng bởi điều này sẽ giúp phục hồi các hoạt động kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập để từ đó đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên báo cáo này, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay đã giảm xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%, trong khi tăng trưởng trong năm 2024 được dự báo duy trì ở mức 6,0%.

“Sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước,” chuyên gia ADB phân tích.

Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4,0% cho năm 2024.

Cũng theo ADB, rủi ro đối với triển vọng này bao gồm lãi suất tăng cao liên tục ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác, có thể góp phần gây bất ổn tài chính tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ cao. Khả năng gián đoạn nguồn cung do hiện tượng thời tiết El Nino hoặc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng có thể kích hoạt lạm phát, đặc biệt liên quan đến lương thực và năng lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục