ADB hạ dự báo tăng trưởng các nền kinh tế đang phát triển châu Á

ADB hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển châu Á

Ngân hàng Phát triển châu Á hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở ở khu vực châu Á​-Thái Bình Dương trong năm nay xuống 5,6%, từ mức dự báo 5,7% đưa ra trước đó.
ADB hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển châu Á ảnh 1(Nguồn: tribune.com.pk)

Ngày 18/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở ở khu vực châu Á​-Thái Bình Dương trong năm nay xuống 5,6%, từ mức dự báo 5,7% đưa ra trước đó, do kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và những cú sốc trong ngắn hạn từ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của 45 nền kinh tế đang phát triển trong khu vực ở mức 5,7% cho năm tới.

Đối với khu vực Đông Á, dự báo tăng trưởng được giữ ở mức 5,7% trong năm nay và 5,6% trong năm tới, với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn đang trên đà đạt nhịp độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017.

Theo dự báo, Nam Á sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong cả hai năm, với Ấn Độ có khả năng tăng trưởng 7,4% trong năm nay và 7,8% trong năm tới, nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh và tăng trưởng trong kinh tế nông thôn khá hơn.

Ở Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng vẫn được giữ nguyên ở các mức tương ứng 4,5% và 4,8%, với tình hình của hầu hết các nền kinh tế ổn định trong nửa đầu năm, nhờ chi tiêu tiêu dùng. Với khu vực Trung Á, việc giá hàng hóa vẫn thấp và suy thoái ở Nga làm xấu thêm triển vọng tăng trưởng, dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay bị hạ từ 2,1% xuống 1,7% và năm tới sẽ tụt từ mức ước tăng 2,8% xuống 2,7%. Về khu vực Thái Bình Dương, mức tăng trưởng của các nước đang phát triển năm nay được dự báo sẽ giảm xuống 3,9%, so với mức tăng 7,1% của năm 2015.

Shang-Jin Wei, nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết, mặc dù Brexit đã ảnh hưởng đến đồng tiền và các thị trường chứng khoán của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, nhưng tác động của nó đối với nền kinh tế thực trong ngắn hạn dự kiến ​​sẽ không lớn. Tuy nhiên, trước triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nước công nghiệp phát triển, các nhà hoạch định chính sách vẫn cần tiếp tục cảnh giác và chuẩn bị để đối phó với những cú sốc bên ngoài nhằm đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục