ADB đánh giá về triển vọng phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á

Báo cáo của ADB về triển vọng phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á đã khảo sát các cơ hội tăng trưởng, chiến lược ngành và cải cách ưu tiên giúp các nước thúc đẩy phục hồi kinh tế.
ADB đánh giá về triển vọng phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á ảnh 1Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Tân cảng Cát Lái, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 13/5, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế ở Đông Nam Á rất đáng khích lệ trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, tuy nhiên, không phải là không có rủi ro dai dẳng.

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, báo cáo của ADB có tiêu đề “Phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á,” trong đó khảo sát các cơ hội tăng trưởng, chiến lược ngành và cải cách ưu tiên có thể giúp các quốc gia thúc đẩy phục hồi kinh tế trong trung hạn.

Tổng giám đốc ADB khu vực Đông Nam Á Ramesh Subramaniam nhận định những rủi ro đối với triển vọng phục hồi trong khu vực bao gồm sự không chắc chắn gia tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 và hậu quả của đại dịch gây tổn thất lớn về việc làm và giáo dục, làm gián đoạn sản xuất, giảm niềm tin của doanh nghiệp cũng như hạn chế tốc độ tăng năng suất.

Theo ông Ramesh Subramaniam, các ngành công nghiệp hỗ trợ với lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy quá trình phục hồi xanh, bền vững và bao trùm sẽ không chỉ đòi hỏi các chính phủ can thiệp theo ngành nghề cụ thể mà còn phải có các biện pháp xuyên suốt nhằm khuyến khích môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng được cải thiện và liên kết nội vùng mạnh mẽ hơn.

Báo cáo của ADB nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức mới đối với ngành du lịch.

Để xây dựng lại ngành công nghiệp “không khói” này, báo cáo khuyến nghị khôi phục nhu cầu du lịch thông qua các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, tiêu chuẩn du lịch an toàn hơn, dịch vụ du lịch đa dạng hơn, tuyển chọn nhân lực có trình độ chuyên môn cao hơn và được trả lương cao hơn cũng như ứng phó quản lý khủng hoảng mạnh mẽ hơn.

[Triển vọng phục hồi kinh tế ASEAN: Những thách thức và động lực]

Ngoài ra, theo báo cáo, lĩnh vực điện tử của khu vực cũng phải đối mặt với những thách thức về cấu trúc, bao gồm sự đa dạng hóa bị thu hẹp trong chuỗi cung ứng điện tử, quy trình và sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, công nghệ đột phá có thể tác động tiêu cực về việc làm cũng như thay đổi nhanh chóng về công nghệ và xu hướng tiêu dùng.

Báo cáo đề xuất để nâng cao tính năng động của ngành công nghiệp điện tử, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành như phối hợp nhịp nhàng hơn giữa doanh nghiệp địa phương, các công ty quốc tế và chính phủ; nâng cấp công nghệ của đặc khu kinh tế về điện tử; khuyến khích nghiên cứu và phát triển nhiều hơn và phát triển các kỹ năng và nguồn nhân lực.

Báo cáo cũng nhận định thương mại số có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á.

Theo báo cáo, phần lớn thương mại kỹ thuật số của khu vực hiện tập trung vào thị trường kỹ thuật số và công nghệ thông tin và gia công quy trình kinh doanh (IT-BPO), trong khi phát triển phần mềm đang được phát triển ở một số quốc gia.

Báo cáo nêu rõ: “Khi nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số ngày càng tăng, điều quan trọng là phải tăng cường kết nối kỹ thuật số, đầu tư vào các cơ sở hậu cần và phân phối, phát triển lộ trình IT-BPO, hỗ trợ phát triển và đào tạo kỹ năng cũng như các quy định về số hóa để bảo vệ người tiêu dùng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục