Trưởng phòng điều phối hoạt động và hợp tác khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Alfredo Perdiguero, đánh giá Sáng kiến hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) là một trong những chương trình thành công nhất về hợp tác và hội nhập khu vực ở châu Á.
Nhận định trên của ông Perdiguero được đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn báo giới ngày 13/3 nhân dịp ông sang Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10), sẽ được tổ chức từ ngày 29-31/3/2018 tại Hà Nội.
Trong phát biểu của mình, ông Perdiguero nhấn mạnh chương trình hợp tác GSM được định hướng bởi 3 chữ C: kết nối (connectivity), cạnh tranh (competitiveness), và cộng đồng (community). Hợp tác GMS mở rộng ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch, nông nghiệp và môi trường bền vững.
Ông Perdiguero đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển kết nối giao thông thông qua cơ chế GMS tại Việt Nam, trong đó nổi bật là dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Đây là một dự án có ý nghĩa quan trọng trong chương trình hợp tác GMS, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Lào Cai từ 7 giờ xuống còn chỉ còn 3 giờ. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến những dự án trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Bắc-Nam (kết nối Việt Nam-Trung Quốc), Hành lang kinh tế Đông-Tây (Đà Nẵng và các thành phố của Lào, Thái Lan, Myanmar) và Hành lang kinh tế phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh-Phnom Penh-Bangkok).
Theo ông, Việt Nam luôn là một thành viên có nhiều sáng kiến trong tất cả lĩnh vực mà hợp tác GMS thúc đẩy. Ông cũng cho rằng việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị GMS-6 và CLV-10 thể hiện sự đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với GMS.
Bên cạnh đó, ông Perdiguero đánh giá Việt Nam đã dẫn đầu trong công tác thu hút sự tham gia của không chỉ của các chính phủ mà cả khu vực tư nhân vào các sáng kiến của GMS, do đó việc Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp GMS lần này là cơ hội để mang lại nguồn năng lượng, những ý tưởng và nguồn tài chính cho cơ chế hợp tác liên kết khu vực này.
Ông Perdiguero cho biết cơ chế GMS đã tài trợ 21 tỷ USD cho các dự án phát triển trong suốt 25 năm qua, và mục tiêu của chương trình là hỗ trợ 66 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Hợp tác GMS được khởi xướng từ năm 1992, theo sáng kiến của ADB, gồm 6 nước thành viên: Campuchia, Trung Quốc (cụ thể là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Trong thời gian qua, hợp tác GMS đã giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước, ứng phó với các thách thức chung của khu vực, từ đó đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế, xã hội của các nước thành viên./.