Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 24/4 đã thông qua khoản cho vay trị giá 400 triệu USD nhằm hỗ trợ Pakistan tiến hành cải cách để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng kinh niên ở nước này.
Cùng ngày, ADB đã ký thỏa thuận cho Chính phủ Bangladesh vay 250 triệu USD để phát triển hệ thống cung cấp nước mặt ở Dhaka.
Tại Pakistan, tình trạng thiếu điện triền miên đã gây tác động lớn đến nền kinh tế và khiến tăng trưởng GDP của nước này chậm đi tối thiểu 2% mỗi năm.
Đầu tư tư nhân giảm mạnh, trong khi trợ giá cho ngành điện đã đẩy thâm hụt tài chính và nợ công lên mức cao. Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ Pakistan đã triển khai Chính sách điện quốc gia (NPP) được thông qua từ tháng 7/2013.
ADB, Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới (WB) đã cùng phối hợp để giúp Chính phủ Pakistan thực hiện chính sách trên cũng như đặt mốc cho việc thực hiện nó. ADB hiện là tổ chức phát triển đi đầu trong việc hỗ trợ Pakistan triển khai các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả, vận chuyển khí đốt, sản xuất điện năng và năng lượng tái tạo...
Kinh phí cho chương trình cải cách năng lượng bền vững NPP của Pakistan ước tính lên tới 1,2 tỷ USD, trong đó Nhật Bản dự kiến đồng tài trợ 5 tỷ yen (49 triệu USD) và WB dự định cung cấp 600 triệu USD. Chương trình này - dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 6/2018 - sẽ hỗ trợ việc cải cách thuế và trợ cấp hiện có, giảm thất thoát điện, khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân và cải thiện tính minh bạch...
Tại Bangladesh, dự án cung cấp nước ở Dhaka ước tính sẽ cung cấp nước sạch cho trên 11 triệu người ở thủ đô, theo đó nâng nguồn cung nước mặt lên 1,9 tỷ lít/ngày vào năm 2021, đồng thời giảm lượng nước ngầm khai thác đi 150 triệu lít/ngày.
Trong khuôn khổ dự án này, Bangladesh sẽ xây dựng một điểm lấy nước (nước chưa qua xử lý) mới ở sông Meghna, cách thủ đô Dhaka 22 km về phía Đông.
Một phần khoản cho vay của ADB cũng sẽ được dùng để xây dựng nhà máy xử lý nước có công suất 500 triệu lít nước/ngày và lắp đặt hệ thống dẫn nước chưa qua xử lý và đã xử lý./.