Sau kết quả ấn tượng trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.
Đây là nhận định của ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại buổi họp báo công bố ấn bản kinh tế (ADO) vàng ngày 4/4 tại Hà Nội.
“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này,” ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Đầu tư công là động lực then chốt
Vị lãnh đạo ADB cho hay việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch Trung Quốc bắt đầu quay trở lại từ ngày 15/3 được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch và dịch vụ ở Việt Nam, với dự báo tăng trưởng của ngành đạt 8,0% trong năm nay.
Ông Andrew Jeffries cho biết ban đầu Trung Quốc đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có thể tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên, vào ngày 12/3, danh sách sửa đổi đã bổ sung Việt Nam, cho phép nối lại các tour du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam từ ngày 15/3. Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này.
[Nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng]
Du lịch hồi sinh, các chương trình kích cầu và đầu tư công mới được khởi xướng trong tháng 1/2022 và việc tăng lương có hiệu lực từ tháng 7/2023 dự kiến sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng, mặc dù lạm phát cao hơn có thể cản trở tiêu dùng phục hồi. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ 2 tháng đầu năm 2023 cao hơn 24,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.
Cũng theo Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, đầu tư công sẽ là một động lực then chốt khác cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác. Cùng với việc nhanh chóng chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng Ba, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ ngành và tỉnh để giải ngân từ tháng 1/2023.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB đánh giá chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ của Ngân hàng Nhà nước khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ.
Rủi ro vẫn hiện hữu
Theo báo cáo của ADB, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ tiếp tục tác động tới thương mại của Việt Nam trong năm 2023. Xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 16,0%. Cả nhập khẩu và xuất khẩu được dự báo sẽ giảm xuống 7,0% trong năm nay và năm tới. Tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1,0% GDP trong năm nay, trước khi đạt mức thặng dư trở lại vào năm 2024.
"Đại dịch kéo dài làm bộc lộ những vấn đề mang tính cơ cấu, và cũng là những thách thức chính với nền kinh tế. Thị trường vốn trong nước đang chịu áp lực. Mặc dù sự bất ổn của thị trường vẫn chưa gây ra những rủi ro hệ thống do khả năng chống chịu của các ngân hàng vẫn tốt, song rủi ro ngày càng hiện hữu. Về dài hạn, cần duy trì cải cách lĩnh vực tài chính để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường vốn," ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Ngoài ra, lượng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 ước tính khoảng 10 tỷ USD, trong đó 42,8% là từ bất động sản và 30,8% từ ngân hàng. Do các ngân hàng có khả năng chống chịu tốt, nên sự bất ổn của thị trường vẫn chưa gây ra những rủi ro hệ thống nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn so với tài sản có rủi ro vẫn ở mức trên 8% theo yêu cầu của Basel II. Báo cáo tài chính của các ngân hàng vẫn khả quan trong quý 4/2022, tuy nhiên, rủi ro đang dần hiện hữu. Tín dụng ngân hàng dành cho bất động sản năm 2022 tăng 24%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Tổng nợ xấu gộp tăng từ 3,8% vào năm 2021 lên tới 4,5% vào năm 2022 và có thể tiếp tục tăng. Rủi ro lan truyền hơn có thể đến từ việc các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng và tỷ lệ cao bất động sản là tài sản thế chấp tại ngân hàng. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của nhiều ngân hàng vượt ngưỡng 85%.
Chuyên gia ADB khuyến cáo mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023.
Lạm phát bình quân trong hai tháng đầu năm 2023 tăng từ 1,7% cùng kỳ năm trước lên tới 4,6%. Do vậy, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023. Cuối cùng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công là rất quan trọng. Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1/2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế. Về dài hạn, cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu./.