Ngày 25/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm tới của khu vực đang phát triển của châu Á.
Khu vực đang phát triển của châu Á gồm 45 nước ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong báo cáo mới nhất, ADB dự báo khu vực trên sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm nay và 5,5% trong năm tới, thấp hơn so với các mức dự báo 5,7% và 5,6% đưa ra hồi tháng 7 vừa qua. Tăng trưởng của khu vực trong năm 2018 là 5,9%.
Nhà kinh tế trưởng ADB Yasuyuki Sawada đánh giá xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ kéo dài sang năm 2020, trong khi các nền kinh tế lớn trên toàn cầu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo hiện nay.
[ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,8% trong năm 2019]
ADB dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 6,2% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo 6,3% đưa ra hồi tháng 7, và năm 2020 có thể sẽ còn xuống tới 6%. Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2019.
Không chỉ suy yếu về thương mại, ADB cho rằng sụt giảm đầu tư cũng là nguy cơ chính đối với triển vọng tăng trưởng khu vực. Xét theo khu vực, Nam Á sẽ vẫn là điểm tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á-Thái Bình Dương, cho dù ADB đã hạ dự báo tăng trưởng khu vực này năm 2019 từ 6,6% xuống còn 6,2%.
Dự báo tăng trưởng của Ấn Độ cũng bị hạn từ mức 7% xuống còn 6,5%, trong khi tăng trưởng năm tới vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á trong năm nay bị hạn từ mức 4,8% xuống 4,5%, so với mức tăng trưởng 5,1% năm ngoái. Tăng trưởng khu vực này trong năm tới được dự báo là 4,7%, cũng thấp hơn so với mức dự báo 4,9% đưa ra trong tháng Bảy.
Ngoài ra, ADB cũng cảnh báo khu vực đang phát triển của châu Á sẽ phải ứng phó với tình trạng giá cả tăng nhẹ do chi phí thực phẩm tăng cao. Dự báo lạm phát khu vực trong năm 2019 và 2020 sẽ là 2,7%, cao hơn so với mức 2,6% dự báo trước đó./.