Cướp bóc, mất điện, đám đông biểu tình, những bệnh viện không có thuốc men. Venezuela đang rơi vào tình trạng hỗn loạn với một quy mô chưa từng thấy ở bán cầu Tây suốt nhiều thập kỷ qua.
Để minh họa cuộc sống hàng ngày tại Venezuela đang diễn ra như thế nào, phóng viên Fabiola Zerpa của hãng tin Bloomberg đã ghi lại những nỗ lực tìm kiếm thực phẩm của mình cho gia đình. Bài viết dưới đây là những trích đoạn trong cuốn nhật ký dài 1 tháng của cô.
Ngày 9/6
Thứ Năm. Cơ hội duy nhất trong tuần của tôi để mua những mặt hàng thiết yếu - dầu ăn, gạo, bột giặt - với giá do nhà nước quy định. Mọi người trưởng thành ở Venezuela đều được chỉ định các ngày trong tuần đề đi mua những hàng hóa quy định dựa trên số trên thẻ căn cước quốc gia của mình. Ngày của tôi là Chủ Nhật và thứ Ba. Tuy nhiên, Chủ Nhật rất vô dụng. Các cửa hàng đã ngừng bán hàng hóa quy định vào cuối tuần từ rất lâu về trước. Thứ Năm cũng chẳng khá hơn là bao.
Trong vài tháng qua, những hàng người tại hai siêu thị gần nhà tôi ở phía đông Caracas lúc nào cũng dài dằng dặc, kéo dài tới hai khối nhà, dẫn tới việc mất tới hàng giờ mới có cơ hội mua được hàng. Và sau đó cũng chẳng có gì đảm bảo là tôi sẽ tìm thấy được gì khi đã vào siêu thị.
Dẫu vậy, tôi vẫn lái xe qua các siêu thị vào buổi sáng để xem qua một chút. Chẳng có cơ hội nào cho tôi. Chỗ nào cũng đông nghẹt, thậm chí chẳng còn chỗ đỗ xe. Tôi tiếp tục đi. Nhiệm vụ tôi được phân công hôm nay sẽ khiến tôi phải đi đến vài nơi trong thành phố, vì thế, đương nhiên, tôi sẽ cố kiếm được vài thứ, bất cứ thứ gì có thể cho hai con tôi - đứa con trai 8 tuổi và đứa con gái 10 tuổi - cùng chồng tôi, Isaac.
Tôi bước vào một nhà thuốc tây. Isaac sắp hết thuốc điều trị cholesterol. Bác sỹ đã kê cho anh ấy thuốc Vytorin hoặc Hiperlipen. Nhưng cửa hàng chẳng có cả hai loại thuốc đó. Dược sỹ nói: có một phòng thí nghiệm ở Ấn Độ vừa ký hợp đồng cung cấp thuốc với chính phủ, và họ sản xuất thuốc chống cholesterol. Tôi không thích ý này chút nào - ai biết thứ thuốc đó là gì? Nhưng dù sao thì thế vẫn tốt hơn là mạo hiểm để chồng tôi chẳng có thuốc mà uống. Tôi đã mua bốn hộp.
Đến khoảng giữa ngày, tôi tới một tiệm bánh để kiếm ít bánh mì. Một phụ nữ trẻ trông có vẻ sốt ruột tiếp tôi. Cô ấy nói, "chúng tôi chỉ bán bánh mì lúc 5 giờ chiều, thưa bà." Trên đường quay ra, tôi nhìn thấy một tấm biển đặt ở cửa trước mà không hiểu sao tôi đã không nhìn thấy khi bước vào. Tấm biển viết: "KHÔNG CÓ BÁNH MÌ." Khi ngồi lại vào xe, tôi nhận ra mình không còn nhiều tiền mặt. Tôi đi đến một máy ATM gần đó. Máy đã hết tiền.
Thế nhưng sau đó, vào cuối ngày, tôi tình cờ gặp được một kho báu nho nhỏ. Tại một quầy hàng địa phương, tôi phát hiện ra một sản phẩm có gốc đường sữa. Nó không hẳn là sữa - món đó gần như không thể nào tìm được - nhưng cũng đáng thử. Có lẽ bọn trẻ sẽ thích món này. Tôi bước ra, hai tay ôm hai chai, gương mặt nở một nụ cười rạng rỡ.
Ngày 14/6
Tôi lại một lần nữa đi tìm bánh mì. Vì càng ngày càng khó kiếm bánh mì tươi - món bánh truyền thống của người Venezuela - tôi quyết định tìm bánh mì đóng gói. Đến trưa, tôi đi tới một cửa hàng tạp hóa gần đó. Không có ai xếp hàng bên ngoài. Tôi hiểu ngay lý do khi bước vào trong. Không còn nhiều hàng hóa trên kệ. Và cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy có bánh mì. "Bánh mì có sớm lắm, thưa bà", một nhân viên cửa hàng trung niên nói với tôi. "Tất cả đã được mua rồi."
Lát sau, tôi đến một trung tâm mua sắm để trả hóa đơn tiền điện. (Đáng ra tôi sẽ trả tiền trực tuyến tại nhà, nhưng Internet nhà tôi, cũng như nhà tất cả người dân tại Caracas đều đã bị cắt nhiều tháng qua). Nhân viên ở các công xưởng nhà nước đang đình công. Chẳng có ai ở đó nhận tiền thanh toán của tôi. "Chỉ hôm nay mới thế thôi, thưa bà", một phụ nữ trẻ nói với tôi. "Bà có thể quay lại và đóng tiền vào ngày mai."
Tôi đi bộ sang siêu thị bên cạnh đó. Những món hàng đứng đầu danh sách cần mua của tôi bây giờ là rau và thịt. Tôi tìm thấy các loại rau-khoai tây, hành tây, chuối mễ - nhưng chẳng có thịt. Và tôi phải trả tiền nhiều gấp hai lần cho chỗ rau đó so với cách đây 5 tháng. Khi tôi đi ra, một thứ đã lọt vào tầm mắt của tôi.
Có một quầy hàng gần lối ra, cách xa những quầy hàng khác. Đằng sau nó có bày một vài mặt hàng hiếm có khó tìm trong thành phố, như cá ngừ, đường và thuốc trừ sâu. Và cửa hàng cũng chẳng hề lơ là việc bảo vệ những món hàng hiếm này. Người mua được hướng dẫn là phải đặt tiền trước khi chạm vào mấy món hàng đó.
Ngày 15/6
Trên đường đi làm, tôi lái xe qua siêu thị lân cận để xem hàng người có bớt đông đi hơn không. Chẳng có gì thay đổi. Nhưng điều lạ vào sáng nay là không thấy những cảnh sát thành phố thường có mặt ở đây để giữ trật tự trong hàng người. Thay vào đó là những cảnh sát có vũ trang đầy đủ từ đơn vị chống bắt cóc của Vệ binh Quốc gia. Chuyện đó có vẻ hơi phô trương một chút.
Tôi tiếp tục lái xe với ý định quay lại trung tâm thương mại để trả hóa đơn tiền điện. Một lần nữa, tôi lại không gặp may. Người ta bảo cuộc đình công đã kết thúc, nhưng các nhân viên chỉ tới vào lúc trưa.
Ngày 17/6
Chúng tôi mới thắng lớn. Isaac, qua bạn của một người bạn mà anh ấy làm cùng tại một công ty sản xuất quảng cáo đã kiếm được 5 cân bột ngô. Đây là một việc rất trọng đại. Bột ngô là nguyên liệu chính của arepas, món bánh ngô tròn, dẹt và là món quan trọng nhất trong chế độ ăn của người Venezuela.
Isaac cũng đã phải trả không ít tiền cho số bột đó: 1.500 bolivar một cân. Như thế là cao gấp 8 lần giá quy định. Nhưng dù sao thì cũng đáng. Chúng tôi thực sự sắp hết đồ ăn đến nơi. Có thể dùng một ít trong số bột đó để trao đổi với bạn bè hay người thân. (Ví dụ, chúng tôi sẽ cho nhà em dâu tôi là Raquel 2 cân bột để đổi lấy sữa bột)
Ngày 25/6
Tôi dậy sớm và đi tới một chợ nông sản gần nhà. Trước bình minh mỗi thứ Bảy, nông dân sẽ chở hàng hóa họ canh tác được trên những chiếc xe tải đến đây. Tất cả mọi thứ được bán với giá thị trường tự do. Về lý thuyết mà nói thì như thế là phi pháp, nhưng giờ thì chẳng ai quan tâm nữa. Mua sắm ở đây, với những mức giá đó, là một việc xa xỉ mà tôi biết hàng triệu người Venezuela không thể làm. Tôi thấy mình thật may mắn khi nghĩ như thế. Một điểm cộng thêm nữa là những người nông dân cũng chấp nhận thanh toán bằng thẻ ghi nợ.
Với tình hình lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát - những dự báo riêng cho năm 2016 là từ 200% đến 1.500% - bạn sẽ phải mang theo cả đống tiền giấy nếu muốn trả bằng tiền mặt. Không chỉ bất tiện, mà ở một quốc gia đầy rẫy tội phạm như Venezuela, nơi đứng thứ ba thế giới về tỉ lệ giết người, hành động đó là vô cùng nguy hiểm.
Sau khi dành một tiếng đồng hồ chọn hoa quả, rau và thịt, tôi xếp hàng để trả tiền. Trời bắt đầu mưa, đầu tiên còn thưa hạt, về sau bắt đầu nặng hạt dần. Chuyện này dẫn đến một vấn đề. Hệ thống Internet kết nối máy quét thẻ với ngân hàng đã bị sập. Nhiều năm thiếu đầu tư đã dẫn đến suy giảm độ tin cậy của hệ thống.
Nửa giờ trôi đi. Có khoảng 30 người đang đứng chờ thanh toán. Một số bắt đầu càu nhàu về nhân viên thanh toán (cô ấy lười biếng), ngân hàng (họ thật tồi tệ), và cả đất nước. Một vài người đàn ông có tuổi đã bỏ cuộc. Họ đặt túi hàng của mình xuống đất và bỏ đi. Một vài phút sau, tôi cũng đã làm như họ.
Ngày 1/7
Lúc đó là 19 giờ tối. Tôi cần phải cho các con lên xe và rẽ qua tiệm bánh gần nhà. Thành thật mà nói thì tôi đang rất sợ. Đường sá đặc biệt trở nên nguy hiểm hơn khi trời tối, và tôi càng nhớ rõ điều này hơn khi bữa trước có một người phụ nữ đã bị bắt cóc chỉ cách tiệm bánh có vài bước chân. Cảnh sát cũng có mặt ở gần đó và một vụ đọ súng đã nổ ra.
Một người hàng xóm của tôi, Franco, đã mắc kẹt trong tiệm bánh cùng cậu con trai 13 tuổi. Họ đã phải bò qua nhà bếp để tránh đạn lạc trong cuộc đọ súng. Khi sự việc đã được giải quyết và nạn nhân được tự do, một tên bắc cóc đã chết, và ba tên khác đã bỏ trốn.
Tôi đã nghe tất cả mọi chuyện vào đêm đó qua cuộc trò chuyện trên WhatsApp của khu phố. (Các bạn tôi và tôi là những người nghiện WhatsApp; hơn nữa, đó là diễn đàn chính để chia sẻ những kinh nghiệm hay nơi đang bán những món hàng hiếm ở thành phố.)
Vì vậy, khi bước vào tiệm bánh, tim tôi đã đập mạnh hơn một chút. Tuy nhiên mọi việc vẫn chẳng có gì khác thường bên trong cửa hàng. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra. Có một hàng dài người đang đợi bánh mì, và một hàng khác đang chờ tính tiền. Các khách hàng đang nhàn nhã uống càphê và ăn pizza. Và ngạc nhiên làm sao, hàng người di chuyển nhanh hơn tôi nghĩ. Tôi nhặt lấy hai ổ bánh mì mỏng (cỡ tối đa được phép sản xuất), một ít thịt nguội, phô mai và ít đồ ngọt Venezuela cho bọn trẻ rồi vội vã trở về nhà. Một chiến thắng nho nhỏ.
Ngày 7/7
Thứ Năm. Hôm nay là ngày tôi được đi mua các nhu yếu phẩm. Tôi đến siêu thị địa phương vào lúc hơn 10 giờ một chút. Đã có khoảng 60 người đứng chờ bên ngoài. Họ đến từ khắp nơi trong thành phố, nhất là những khu dân cư nghèo, nơi thực phẩm khan hiếm, và xếp thành hàng. Chẳng ai biết bất cứ điều gì: bao giờ hàng hóa mới được đưa ra bán; hàng gì sẽ được bán. Họ chỉ biết chờ đợi, kiên nhẫn dưới ánh mặt trời chói chang vùng Caribbean.
"Đây là dòng người hy vọng", một phụ nữ nói với tôi. "Chúng tôi hy vọng họ có cái gì để bán cho chúng tôi." Hay thật. Một chút hài hước trước khi chịu khổ. Tôi cười. Thế nhưng, vài tiếng sau đó, khi hàng người vẫn không nhúc nhích, tôi đã chẳng còn chút hy vọng nào. Tôi ra khỏi hàng và bỏ về./.