ABAC kêu gọi giải pháp đồng bộ ứng phó thách thức toàn cầu

"Đại dịch đang là vấn đề cấp bách nhất, song chúng ta cũng cần phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế đang giảm sút và sự gián đoạn kỹ thuật số," Chủ tịch ABAC nói.
Chủ tịch ABAC Rachel Taulelei. (Nguồn: apec2021nz.org)

Cùng nhau tìm ra các giải pháp đồng bộ, kịp thời để ứng phó với những thách thức toàn cầu phức tạp là giải pháp duy nhất để khu vực tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Hội đồng Tư vấn kinh doanh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 trong năm nay diễn ra vào ngày 3/8.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Rachel Taulelei, Chủ tịch ABAC trong năm 2021, cho biết Hội đồng đã hoàn thiện báo cáo thường niên để gửi đến lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Bà nêu rõ: “Thông điệp chính của chúng tôi gửi đến các nhà lãnh đạo là một tương lai thịnh vượng, hòa bình và kiên cường sẽ chỉ đạt được thông qua nỗ lực tập thể. Đại dịch (COVID-19) đang là vấn đề cấp bách nhất, song chúng ta cũng cần phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế đang giảm sút và sự gián đoạn kỹ thuật số. Chỉ hành động một mình không phải là chiến lược đúng đắn trong một thế giới liên kết sâu rộng.”

Theo bà Taulelei, ABAC đã đưa ra một loạt khuyến nghị trong báo cáo của mình, phản ánh các vấn đề phức tạp mà khu vực phải đối mặt. Bà nhấn mạnh ưu tiên quan trọng nhất hiện nay là các nền kinh tế thành viên cần đoàn kết ứng phó với đại dịch COVID-19.

Bà nêu rõ: “Nếu muốn đẩy lùi đại dịch COVID-19, chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đảm bảo việc tiêm chủng được thực hiện bình đẳng hơn và phổ cập hơn thông qua thúc đẩy tự do giao thương trong lĩnh vực vaccine, vật tư và dịch vụ y tế thiết yếu. Tiêm chủng cũng là chìa khóa để các nước mở cửa trở lại biên giới một cách an toàn và liền mạch khi đến thời điểm thích hợp, điều này sẽ giúp phục hồi kinh tế. APEC nên phát triển một khuôn khổ khu vực nhất quán cho vấn đề này.”

Bà Taulelei cũng nhắc lại chủ đề của ABAC 2021 là "Con người, khu vực và sự thịnh vượng," đồng thời nhấn mạnh “hạnh phúc của người dân phải là trọng tâm của tất cả những gì chúng ta đang làm.”

Do đó, ABAC kiến nghị cải cách cơ cấu và xây dựng năng lực để giúp trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ và cộng đồng bản địa.

[Dấu mốc mới định hướng tương lai APEC và khu vực châu Á-TBD]

ABAC cũng kêu gọi xây dựng hệ thống thực phẩm tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và thúc đẩy thương mại, nhấn mạnh việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho mọi người dân là điều cơ bản để đạt được tất cả các mục tiêu khác.

Cơ quan Tư vấn kinh doanh của APEC cũng cam kết đảm bảo tính bền vững sẽ là nền tảng thúc đẩy tất cả các hoạt động kinh tế của APEC tiếp tục phát triển. Để đạt được mục tiêu đó, cơ quan này đã thống nhất một bộ Nguyên tắc lãnh đạo về biến đổi khí hậu và một khuôn khổ cho thương mại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Chủ tịch ABAC 2021 còn nhấn mạnh vì mục tiêu thịnh vương, APEC có thể chứng tỏ vai trò lãnh đạo - như đã từng làm rất hiệu quả trong quá khứ - bằng cách ủng hộ một Tổ chức Thương mại thế giới đáng tin cậy, thúc đẩy Khu vực Thương mại tự do bền vững ở Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như đảm bảo việc tận dụng hết tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số.

Bà Taulelei nhấn mạnh: “Giờ là lúc phải hành động. Lịch sử cho thấy rằng một cuộc khủng hoảng thường tạo ra sức sáng tạo mới và động lực mới."

APEC là diễn đàn kinh tế khu vực được thành lập vào năm 1989, nhằm thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu tạo ra sự thịnh vượng lớn hơn cho người dân trong khu vực bằng cách thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bao trùm, bền vững, đổi mới và an toàn và bằng cách đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực.

Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 vạch ra tương lai khu vực là một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục