Ngày 4/8, ABAC - Hội đồng Tư vấn kinh doanh của Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã kêu gọi các nền kinh tế mới nổi trong khu vực phát hành trái phiếu khí hậu được gắn theo một rổ tiền tệ, nhằm giảm rủi ro từ biến động tỷ giá hối đoái khi huy động vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
ABAC, gồm các giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng đề xuất khởi động chương trình thí điểm để phát triển thị trường carbon tự nguyện (VCM) cho khu vực này.
Phát biểu tại họp báo ngày 4/8, ông Hiroshi Nakaso, Trưởng bộ phận chuyên trách về tài chính và đầu tư của ABAC cho biết: "Những gì chúng tôi đang cố gắng thiết lập là một mạng lưới tín dụng carbon tự nguyện, có thể tương tác hoặc có thể giao dịch với nhau trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhằm đẩy nhanh quá khu vực chuyển đổi sang một xã hội carbon thấp."
Ông Nakaso cho biết thêm theo chương trình, các quốc gia có cùng chí hướng sẽ tiến hành các giao dịch tín dụng carbon xuyên biên giới, trên cơ sở thử nghiệm để xác định các vấn đề và giải pháp khả thi.
Các đề xuất, được đề ra tại cuộc họp của ABAC ở Tokyo từ ngày 1-4/8, nhấn mạnh nhận thức ngày càng tăng ở châu Á về nhu cầu các khu vực tư nhân và công cộng phải hợp tác để tài trợ cho chi phí khổng lồ của quá trình chuyển đổi năng lượng.
ABAC sẽ trình bày các khuyến nghị của mình tại Hội nghị Cấp cao APEC 2024 tại Lima (Peru) vào tháng 11 tới. Trong danh sách các đề xuất, ABAC kêu gọi các nền kinh tế trong khu vực phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất và gốc thanh toán được gắn theo một rổ tiền tệ.
Châu Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất thế giới trước các thảm họa thiên nhiên liên quan đến khí hậu. Khu vực này cũng bao gồm nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường tiền tệ, làm gia tăng thách thức cho quá trình chuyển đổi năng lượng./.