AAG lại gặp sự cố, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chậm

FPT trích thông tin từ Trung tâm điều hành cáp quang AAG cho biết, nguyên nhân ban đầu khiến cáp bị đứt được xác định là do ảnh hưởng của bão Nida ở Biển Đông.
AAG lại gặp sự cố, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chậm ảnh 1Việc truy cập internet trong nước không bị ảnh hưởng bởi sự cố AAG. (Ảnh minh họa: P.V/Vietnam+)

Thông tin từ một số nhà cung cấp dịch vụ internet cho phóng viên VietnamPlus biết, tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) đã gặp sự cố vào khoảng 17 giờ ​30 phút ngày 2/8, khiến việc truy cập internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chậm.

Đây không phải lần đầu tiên AAG gặp sự cố. Chỉ riêng năm 2015, đã có ít nhất 4 lần sợi cáp này bị đứt và vào tháng Ba và tháng Sáu năm nay, tuyến cáp này đã hai được bảo trì và cũng gây ảnh hưởng tới truy cập của khách hàng.

Trang nội bộ của FPT trích thông tin từ Trung tâm điều hành cáp quang AAG cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là do ảnh hưởng của bão Nida ở Biển Đông.

Phía VNPT thì cho phóng viên VietnamPlus biết, tuyến cáp biển AAG bị đứt cách Hong Kong 80km. Nhà mạng này đang khẩn trương phối hợp với các đối tác khắc phục sự cố để đảm bảo thông tin liên lạc cho khách hàng.

Trao đổi với phóng viên trưa 3/8, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Netnam nói rằng, khách hàng của đơn vị này ít bị ảnh hưởng bởi sự cố trên bởi trước đó, Netnam đã đầu tư sang đường cáp đất liền và cáp quang biển khác.

Theo ông Bình, thông thường thời gian hàn cáp mất ít nhất 7-10 ngày và việc này liên quan nhiều tới yếu tố thời tiết. Hiện, công tác khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi.

Thực tế cho thấy, trước những sự cố thường xuyên trên tuyến cáp AAG, các nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam đã thực hiện nhiều phương án ứng cứu thông tin, giảm sự lệ thuộc vào AAG như điều hướng qua cáp quang biển Liên Á hay qua đường cáp trên đất liền…

AAG có chiều dài 20.191km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục