990 tỷ đồng xây công trình thủy lợi Ô Môn-Xà No giai đoạn 2

Các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ đầu tư 990 tỷ đồng xây dựng các công trình thuộc dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No (giai đoạn 2) để đưa vào sử dụng cuối năm 2017.
Một phần dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No giai đoạn 2. (Nguồn: hec2.vn)

Tại cuộc họp bàn biện pháp giải phóng mặt bằng phục vụ thực hiện dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No (giai đoạn 2) trên địa bàn Cần Thơ sáng 7/1, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ đang triển khai kế hoạch đầu tư 990 tỷ đồng (do Trung ương cấp) để xây dựng các công trình thuộc dự án trên trong giai đoạn 2 để phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ đưa công trình này vào sử dụng.

Ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn cho hay, đến nay, 97% số hộ trên địa bàn quận đã bàn giao mặt bằng để xây dựng công trình nói trên. Quận đang phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất Cần Thơ vận động số hộ còn lại hoàn thành bàn giao mặt bằng trong 15 ngày tới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ba, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền, hiện, 100% số hộ trên địa bàn chịu ảnh hưởng của dự án đã bàn giao mặt bằng nhưng các công trình điện, viễn thông vẫn chưa được di dời.

Ông đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương di dời các công trình trên để địa phương bàn giao mặt bằng kịp thời cho đơn vị thi công công trình.

Trước đó, huyện Cờ Đỏ cũng đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao xong cho đơn vị thi công.

Theo Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi II, đơn vị thiết kế công trình trên, các hạng mục chính sẽ xây dựng mới trong giai đoạn 2015-2017 gồm 99 cống cấp 2; nạo vét 3 kênh cấp 1 gồm kênh KH 8, KH 9, Tắc Ông Thục tổng chiều dài 83km và 92 kênh cấp 2 tổng chiều dài 288km.

Việc xây dựng hạng mục trên để khép kín hệ thống đê bao kiểm soát lũ và liên thông với giao thông bộ trên các tuyến đê; nâng cao năng lực tưới tiêu, xổ phèn, cải tạo đất, chống sạt lở đê bao Xà No.

Các công trình khi hoàn thành trên sẽ tạo điều kiện cho các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, quận Ô Môn thuộc thành phố Cần Thơ; huyện Châu Thành A, thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy thuộc tỉnh Hậu Giang và các huyện Giồng Riềng, Gò Quao thuộc tỉnh Kiên Giang chủ động tưới tiêu, ngăn lũ 45.430ha và lấy phù sa cải tạo 38.800ha đất nông nghiệp, 135.000ha lúa sản xuất từ 2 vụ lên 3 vụ mỗi năm.

Công trình sẽ bảo vệ 8.000ha vườn cây ăn quả khỏi bị ngập, xổ phèn, nâng cao khả năng cấp nước hợp vệ sinh, cải tạo môi trường sinh thái trong vùng dự án.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, giai đoạn 1 của dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No được thực hiện từ năm 2005-2012 với tổng vốn đầu tư 536 tỷ đồng.

Các hạng mục đã được xây dựng xong gồm có tuyến đê bao vừa ngăn lũ vừa là đường giao thông bộ rộng 6 mét, dài 115km; 72 cống cấp I và II, 15 kênh cấp II tổng chiều dài 121km.

Do đầu tư vốn xây dựng công trình trên trong giai đoạn 2 không kịp thời nên việc tiếp tục thực hiện dự án trên bị gián đoạn từ năm 2013 đến nay. Vì vậy, dự án chưa phát huy tác dụng như mong muốn nhưng việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án đã giúp tỉnh Hậu Giang nâng cao năng lực cấp nước hợp vệ sinh cho người dân địa phương.

Cụ thể, đến cuối năm 2012, các xã Phương Bình, Phương Phú, Vĩnh Viễn, thị trấn Trà Lồng, liên xã Vị Đông-Vị Thanh-Vị Bình đã được đầu tư 21 tỷ đồng, (trích từ nguồn vốn xây dựng công trình thủy lợi Ô Môn-Xà No giai đoạn 1) xây dựng thêm 6 trạm cấp nước với công nghệ xử lý nước tiên tiến, công suất mỗi trạm từ 360-480 m3/ngày đêm. Theo đó, tổng công suất cấp nước hợp vệ sinh cho dân cư tại các xã vừa nêu lên 8.200m2 mỗi ngày đêm, tăng 26% so với trước năm 2012.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trước năm 2005, đất trong vùng dự án Ô Môn-Xà No bị ngập trong mùa lũ. Người dân đi lại chủ yếu bằng phương tiện giao thông đường thủy. Hệ thống đường bộ chỉ có một số tuyến giao thông nhỏ ven kênh Ô Môn, kênh Xà No và rạch Tắc Ông Thục nhưng bị đứt quãng với nhiều đoạn ngập trong mùa lũ, mùa mưa.

Từ năm 1976 đến trước năm 2005, các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ tích cực mở rộng hệ thống thủy lợi, tạo điều kiện cho vùng này chuyển từ sản xuất một vụ lúa mùa sang 2 vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu.

Tuy nhiên, vụ lúa Thu Đông chưa được sản xuất, hàng chục nghìn ha đất lúa, vườn cây ăn quả, đất nuôi thủy sản bị ngập trong mùa lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục