95% hộ dân Đà Nẵng đã xem được truyền hình số chuẩn DVB-T2

Sau gần hai ngày Đà Năng ngừng phát sóng truyền hình analog, 95% hộ dân ở thành phố đã xem được truyền hình số chuẩn DVB-T2, chỉ còn khoảng 5% hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu ở các xã vùng núi.
Quang cảnh buổi họp báo về việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Từ 1/11, Đà Nẵng đã chính thức ngắt toàn bộ sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) để chuyển sang truyền hình số chuẩn DVB-T2.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, sau gần hai ngày chuyển sang truyền hình số chuẩn DVB-T2, 95% hộ dân ở thành phố đã xem được truyền hình số chuẩn DVB-T2, chỉ còn khoảng 5% hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu tập trung ở các xã vùng núi do chất lượng trạm bù sóng chưa bảo đảm.

Đến thời điểm này, hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn thành phố cơ bản đã được bảo đảm. Tuy nhiên vẫn còn 76 hộ dân ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) không bắt được sóng truyền hình số mặt đất vì trạm bù sóng khu vực này không đem lại hiệu quả. Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đang tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép phát sóng qua truyền hình vệ tinh.

Về vấn đề thuê đơn vị truyền dẫn-phát sóng, ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, cho biết Đài sẽ chọn hạ tầng truyền dẫn của VTV để tiến hành triển khai số hóa truyền dẫn phát sóng mặt đất tại Đà Nẵng. Theo đó, VTV sẽ triển khai rà soát, bổ sung, nâng cấp, điều chỉnh hệ thống phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm bảo đảm vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ cho toàn thành phố Đà Nẵng, nhất là khu vực miền núi, vùng bị “lõm sóng." VTV đang hỗ trợ DRT phát thử nghiệm tín hiệu truyền hình số trên hạ tầng của VTV đặt trên bán đảo Sơn Trà.

Triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm việc số hóa truyền hình mặt đất tại Đà Nẵng trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại năm thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phủ sóng truyền hình số các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, của Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng (DRT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và bốn huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam (gồm thành phố Hội An, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn của Trung ương trên địa bàn Đà Nẵng và bốn huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam do ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn của Đà Nẵng trên địa bàn thành phố.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất được thực hiện theo lộ trình gồm bốn giai đoạn là ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại năm thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31/12; tại 26 tỉnh lân cận bốn thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31/12/2016; tại 18 tỉnh đồng bằng và trung du trước ngày 31/12/2018; tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn lại trước ngày 31/12/2020.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước và khu vực ASEAN hoàn thành việc số hóa truyền hình, dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục