Tới năm 2020, 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; giảm gia tăng tỷ lệ số trẻ em bị xâm hại; có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp 100% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi.
Đây là mục tiêu của Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đảm trách.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội vào sáng 28/9.
Cũng theo Bà Nga, hiện Việt Nam có hơn 26 triệu trẻ em, trong đó có trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Cùng với việc hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em, hiện cả nước có 31 trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, trong đó có 7 trung tâm dành cho trẻ em; 158 văn phòng tư vấn cấp huyện; 1.539 điểm tham vấn cộng đồng và 2.765 điểm tham vấn trường học…
Bà Nga cũng chia sẻ một số mục tiêu trong năm 2016 là giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 5,5% trên tổng số trẻ em; 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 100% tỉnh, thành phố triển khai vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em; sản xuất 104 chương trình truyền hình vì trẻ em và an sinh xã hội…
Với những nỗ lực trên, các tỉnh, thành phố đã đưa chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhà trường đã thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Đáng chú ý, các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, bị bỏ rơi, nhiễm HIV…) nhận được sự quan tâm chăm sóc của nhà nước và cộng đồng xã hội thông qua các chính sách trợ giúp xã hội, tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề…/.