Bức xúc trước con số chỉ thu được dưới 10% tiền bản quyền tác giả âm nhạc từ các chương trình biểu diễn, sáng 16/2, tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hà Nội, các nhạc sỹ đã có cuộc gặp nhau để cùng bàn bạc và kiến nghị. Đây là “Hội nghị Diên Hồng” hội tụ các nhạc sỹ có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc của đất nước để cùng bàn về tình hình bảo vệ tác quyền âm nhạc. Gần đây, việc thu tác quyền hết sức khó khăn. Khi mà số phí thu được thực tế chưa tới 1/10 tổng số tác phẩm âm nhạc đã được sử dụng. Như vậy, hơn 90% các tác phẩm âm nhạc đang bị sử dụng trái phép. Cần điều chỉnh để chặtchẽ Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam nhận định, vấn đề nóng hiện nay là cơ quan quản lý nghệ thuật biểu diễn đã bỏ trống, chưa quan tâm đến quyền tác giả âm nhạc. Trong khi đó, nhận định tác phẩm là tài sản riêng của các tác giả, thuộc sở hữu của người sáng tác đã là một điều đương nhiên được pháp luật và toàn xã hội cùng công nhận. Thế nên nếu cơ quan quản lý coi đó là “quan hệ dân sự” không chịu trách nhiệm thì các nhạc sỹ thấy rằng quy định chưa có trách nhiệm với lao động trí tuệ của họ. “Mặt khác, nếu nói là không can thiệp vào quan hệ dân sự thì tại sao lại đóng dấu đỏ cho những người chưa thực hiện nghĩa vụ với tác giả. Tại sao lại cấp phép biểu diễn cho những người chưa được phép sử dụng tác phẩm. Lẽ nào là để kẽ hở cho vi phạm pháp luật,” nhạc sỹ Phó Đức Phương nêu câu hỏi. Cũng theo Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, trong giai đoạn đầu, những người đi đòi quyền lợi cho các nhạc sỹ cứ ôm bức xúc trong lòng mình. Đến năm 2009, tổng kết 5 năm làm công tác bảo vệ tác quyền, Trung tâm đã từng có kiến nghị gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. song đến nay tình hình vẫn dậm chân tại chỗ. Thực tế, đã có quy định rằng chỉ riêng trong việc phát thanh thì không phải xin phép nhưng vẫn phải trả tiền. Như thế có thể hiểu là ngoài phát thanh ra, thì phía sử dụng tác phẩm đều phải xin phép. Mà đã gọi là xin phép lẽ nào là xin phép sau! (Vì có ý kiến: Đúng quy định phải xin phép, nhưng không có chữ “trước.”) Bởi vậy mà theo kết luận của nhạc sỹ Phó Đức Phương: "Việc cấp phép biểu diễn khi chưa thực hiện bản quyền đã triệt tiêu quyền tự bảo vệ một cách hợp pháp của các nhạc sỹ." Cũng theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, cần quy định rõ thủ tục cần kèm theo để xin cấp phép biểu diễn là hợp đồng với tác giả về sử dụng tác phẩm. Nếu quy định "lái" thành cam kết thì việc bắt buộc phải thực hiện luật pháp đã thay bằng hứa sẽ thực hiện luật pháp. Và thay vì quy định "phải nộp phí bản quyền" thành "sẽ cam kết nộp" đang cản trở và gây ra những rối ren trong đời sống văn hóa nước nhà. Bản quyền - lơ được là lơ! Trước thực tế phía sử dụng tác phẩm luôn muốn trốn nghĩa vụ với các nhạc sỹ, nhạc sỹ Huy Thục đưa ra ý kiến: "Từng quý, Trung tâm bản quyền đã mời nhạc sỹ chúng tôi đến nhận tiền tác quyền, chúng tôi rất hoan nghênh. Nhưng những lần tổ chức biểu diễn hàng trăm triệu vào túi “cai đầu dài” mà Trung tâm không thu được thì chúng tôi không biết phải làm sao. Không có tác phẩm của chúng tôi thì các nhà tổ chức lấy đâu ra tác phẩm mà biểu diễn?" Trong khi đó, nhạc sỹ Huy Thục lại ví von với hình ảnh một cô con gái trong làng ra phố huyện ăn cắp cái bánh mỳ bị phát giác không dám về làng, trong khi nhà tổ chức biểu diễn ăn cắp hàng loạt tác phẩm của các nhạc sỹ thì không hề xấu hổ?! Có mặt và phát biểu trong cuộc họp bàn, nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh cho biết: "Năm 1980, tại hội trường khách sạn Đồng Lợi, chúng tôi đã chủ động họp với nhau quy định giá các tác phẩm âm nhạc. Nghị định 61 đã dựa vào kết quả bàn bạc đó của chúng tôi. Như vậy, không gì bằng chính các tác giả đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình." Từng là Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội, ông Trương Ngọc Ninh cũng cho hay: Về mặt quản lý Nhà nước thì việc quản lý không khó, khi cầm trong tay giấy đã nộp tiền bản quyền thì cơ quan chức năng mới cấp phép. Thời gian tham gia công tác quản lý tôi đã làm như vậy. Bây giờ, chỉ cần quy định rõ: Trước khi biểu diễn, nhà tổ chức đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả nộp phí bản quyền là xong. Ông Ninh yêu cầu các nhạc sỹ phải "thống nhất ý chí" là phải có quyền với tác phẩm của mình. Và không thể cứ lơ mơ… Ông còn cho biết, theo một hợp đồng biểu diễn mới đây, ca sỹ Mỹ Tâm được trả cát-xê 80 triệu, ca sỹ trẻ Văn Mai Hương được nhận 55 triệu cho một chương trình, lẽ nào các nhạc sỹ lại không được một xu nào khi có bài hát trong các chương trình được biểu diễn. Nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng kêu gọi: "Các nhạc sỹ hãy dũng cảm lên để nói về bản quyền. Hãy nhớ cái gốc rằng: Nếu dùng tác phẩm của chúng ta để kinh doanh thì phải trả tiền. Hiện nay các ca sỹ đều ỷ lại các nhà tổ chức. Tôi được biết, ca sỹ tự do chỉ thuộc hàng có giọng tương đối, đi hát ở các nơi cũng thu hàng trăm triệu một tháng, mà họ chỉ hát một số bài tủ, vậy mà nhạc sỹ của các bài đó lại mất trắng ư?" Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo cũng thắc mắc ông đếm có đến 20 đĩa thu bài hát của ông mà không thấy tiền về Trung tâm vì những bài hát đó nằm trong 90% không thu được phí bản quyền. Điều này cũng cho thấy mối liên kết giữa các tác giả và đơn vị đại diện về quyền tác giả của mình cần chặt chẽ và kịp thời. Vì phí bản quyền ở ta, cứ lơ được là lơ.
Nhạc sỹ Nghiêm Bằng- con trai cố nhạc sĩ Văn Cao: "Cần có thông kê, có bằng chứng cụ thể về vi phạm thì trong thời gian qua thì mới thuyết phục."
Nhạc sỹ Đinh Quang Hợp nêu ý kiến và thu được sự đồng tình của các nhạc sỹ có mặt: "Hãy làm văn bản hoàn chỉnh để các anh em nhạc sỹ ký vào bản kiến nghị. Cùng ký vào phản đối cơ quan cấp phép cho phép sử dụng quyền tác phẩm khi chưa thực hiện nghĩa vụ bản quyền với tác giả."
Và theo Luật sư Đỗ Khắc Chiến, pháp luật phải sòng phẳng, rõ ràng. Bản kiến nghị của tập thể các nhạc sỹ cũng là một giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền thực sự vào cuộc. |
Nguyễn Anh (Vietnam+)