Từ sự ra đi của nhà thiết kế bậc thầy Thierry Mugler đến những lần “thay tên đổi họ” giám đốc sáng tạo của các thương hiệu xa xỉ, năm 2022 đánh dấu nhiều sự kiện đáng chú ý.
Cùng điểm lại 9 sự kiện thời trang nổi bật nhất năm qua.
“Huyền thoại thời trang” André Leon Tally qua đời ở tuổi 73
André Leon Tally, cựu giám đốc sáng tạo của tạp chí Vogue danh tiếng, được khán giả ái mộ và những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang yêu mến bởi tư chất đáng nể và kiến thức dày dặn, đã qua đời ở tuổi 73.
Sau nhiều năm cống hiến, đó cũng là “gia tài” mà Tally có được, giúp ông trở thành biểu tượng bất tử trong lịch sử thời trang thế giới.
Sự ra đi của Thierry Mugler: Hào quang không bao giờ vụt tắt
Chỉ ít ngày sau khi Tally qua đời, địa hạt thời trang lại mất thêm một bậc thầy thời trang nữa: Thierry Mugler, nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo của thương hiệu cao cấp Pháp, Mugler.
Là một trong những “gã nổi loạn” thống trị làng mốt từ thập niên 80, Mugler nổi tiếng với lối thiết kế đi ngược lại với xu hướng, khai thác tỷ lệ vàng của cơ thể người phụ nữ với các thiết kế avant-garde biểu tượng.
Thời đại sáng tạo mới của Ferragamo dưới thời Maximilian Davis
Đầu tháng 3, ngôi sao thiết kế người Anh Maximilian Davis khiến giới mộ điệu tiếc nuối khi đóng cửa thương hiệu mang tên anh - thương hiệu được nhiều ngôi sao yêu thích, trong đó có Dua Lipa và Rihanna - để tiếp quản di sản của nhà mốt Salvatore Ferragamo trên cương vị giám đốc sáng tạo.
Bước đầu trong việc tái định vị thương hiệu của Italy, Davis đổi tên Salvatore Ferragamo thành Ferragamo, đánh dấu tầm nhìn mới tiếp tục được viết trong lịch sử sáng tạo của “gã khổng lồ” ngành xa xỉ phẩm.
“Ông hoàng xếp pli Nhật Bản” Issey Miyake qua đời
Vào ngày 5/8, nhà thiết kế người Nhật huyền thoại Issey Miyake qua đời ở tuổi 84, để lại sự tiếc thương vô hạn trong làng thời trang đương đại.
Suốt nhiều năm mang đến các giá trị thẩm mỹ vượt thời gian cho nền công nghiệp thời trang, nhà thiết kế sinh năm 1938 đã tạo nên nhiều dấu ấn.
Điển hình nhất phải kể đến bộ sưu tập “Pleats Please” mang tính cách mạng, L’eau d’Issey - dòng nước hoa đặc trưng của thập niên 90 và những chiếc áo cổ lọ màu đen cho Steve Jobs.
Daniel Lee tiếp quản di sản 166 năm của Burberry
Sau 4 năm gắn bó tại Tuần lễ thời trang London và các chiến dịch quảng bá, nhà thiết kế Riccardo Tisci nói lời chào tạm biệt với thương hiệu Burberry từ cuối tháng 9 này.
[9 cú bắt tay giữa các gã khổng lồ tạo cơn địa chấn thời trang cao cấp]
Thay vào đó, cựu Giám đốc Sáng tạo của Bottega Veneta-Daniel Lee - sẽ tiếp quản di sản thời trang 166 năm tuổi trên cương vị Giám đốc Sáng tạo, anh sẽ trình làng bộ sưu tập đầu tay vào tháng 2 năm sau.
Trong vai trò mới tại Burberry, Daniel Lee hứa hẹn mang đến một làn gió mới mẻ hơn cho các thiết kế lưu trữ của nhà mốt cũng như mang tầm nhìn của mình để thỏa mãn nhu cầu về xa xỉ phẩm của Gen Z hiện nay.
Sự sụp đổ của tượng đài Ye
Niềm đam mê nghệ thuật và thời trang đã ăn sâu vào huyết mạch của nam rapper nổi tiếng Ye (Kanye West) từ nhiều năm qua. Bằng thực lực, sự khôn khéo và cả tư duy đi trước thời đại, anh đã đưa tên mình chạm đến đỉnh cao danh vọng, xây dựng nên đế chế Yeezy lừng lẫy.
Sau hàng loạt thị phi từ sự ngông cuồng không kiểm soát, kẻ “lắm tài nhiều tật” bậc nhất làng giải trí nhận lại sự ngoảnh mặt của giới thời trang, kể cả “người bạn từng thân” Balenciaga và Tổng biên tập tạp chí Vogue - Anna Wintour.
Estée Lauder thâu tóm thương hiệu Tom Ford
Cuộc đua sở hữu thương hiệu thời trang xa xỉ Tom Ford đã đến hồi kết, khi Estée Lauder chính thức trở thành chủ sở hữu mới sau khi hoàn tất thương vụ mua nhãn hàng với giá 2,8 tỷ USD.
Thế nhưng, ngay sau khi chủ nhân mới của Tom Ford được công bố, giới mộ điệu tự đặt dấu chấm hỏi lớn rằng, một tập đoàn chuyên về mỹ phẩm sẽ làm gì để vận hành một nhà mốt thời trang tầm cỡ như Tom Ford thời gian tới?
Raf Simons “khai tử” thương hiệu mang tên mình
Cách đây không lâu, bộ sưu tập Xuân Hè 2023 của nhà mốt Raf Simons được trình làng trong sự háo hức của các tín đồ thời trang. Thế nhưng đây là bộ sưu tập cuối cùng đặt dấu chấm hết cho “chặng đường 27 năm rực rỡ” của thương hiệu.
Trong bài thông báo đăng tải trên trang mạng xã hội, Raf Simons cho hay: “Tôi không biết nên dùng từ nào để diễn tả niềm tự hào về những thành tựu mà chúng tôi đã đạt được. Tôi thật sự biết ơn sự ủng hộ từ đội ngũ Raf Simons, các cộng sự, báo đài, khách hàng, bạn bè, gia đình, người hâm mộ và những người theo dõi bước chân của chúng tôi thời gian qua.”
Vậy là sau hơn hai thập kỷ mang đến các giá trị thẩm mỹ đa dạng cho làng mốt, thương hiệu Raf Simons chính thức “từ giã” các tuần lễ thời trang.
Tuy để lại cho giới mộ điệu bất ngờ xen lẫn nuối tiếc, nhưng thẩm mỹ Raf Simons vẫn tồn tại như một phần không thể tách rời khỏi lịch sử thời trang thế giới.
Chương sáng tạo của Alessandro Michele tại Gucci đã đi đến hồi kết
Kể từ khi đảm nhận vị trí đầu tàu cho các sáng tạo của Gucci, Alessandro Michele mê hoặc giới mộ điệu khắp nơi trên thế giới bằng các tạo tác thời trang phi giới tính độc đáo.
Kế thừa tinh hoa thời trang màn bạc, gốc rễ làm nên vẻ đẹp hào nhoáng của Gucci qua hàng thập kỷ, ông đã xây dựng nên một đế chế Gucci hùng mạnh, dẫn đầu các xu hướng và được nhiều thế hệ khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là gene Z.
Tâm sự lần cuối trước khi rời khỏi vị trí Giám đốc Sáng tạo Gucci, Alessandro Michele cho hay: “Hôm nay là ngày kết thúc chuyến hành trình rực rỡ kéo dài hơn 20 năm của tôi, ở nơi mà tôi cống hiến tất cả tình yêu và sự sáng tạo không mệt mỏi. Cả chuyến hành trình dài đó, Gucci như ngôi nhà của tôi vậy. Cùng với những thành viên khác, tôi được mong ước, mơ mộng và tưởng tượng. Không có họ, những gì tôi vun đắp đều trở nên vô nghĩa"./.