9 lý do khiến Mỹ sa lầy ở cuộc chiến Afghanistan

Một lí do khiến Mỹ đang thất bại ở Afghanistan là đã đổ hầu hết nguồn lực vào Kabul, trong khi Pakistan mới là trung tâm chiến lược.
Hội đồng Đại Tây Dương ngày 1/7 cho biết ngay từ đầu năm 2008, tổ chức này đã công bố báo cáo cảnh báo phương Tây không thể thành công ở Afghanistan với dòng mở đầu “Đừng nhầm lẫn: NATO không thể chiến thắng ở Afghanistan.”

Khi đó, Thượng nghị sĩ Barack Obama đã đọc báo cáo này. Sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Obama đã chọn Tướng James Jones, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương thời điểm công bố báo cáo, làm Cố vấn An ninh quốc gia.

Báo cáo đó nếu được công bố vào Hè năm nay có thể được diễn giải “Đừng nhầm lẫn: Chúng ta đang thất bại ở Afghanistan.” Những sai lầm trong cuộc chiến này là quá lớn và quá nguy hiểm, tới mức nếu không được điều chỉnh thì cơ hội thành công ở Afghanistan là rất thấp.

Thứ nhất, chiến lược Afghanistan-Pakistan - hiện vẫn được gọi với cái tên "Chiến lược AfPak" - là một sự thụt lùi. Lẽ ra, chiến lược này phải được gọi ngược lại là "Chiến lược PakAf", vì Pakistan mới là trung tâm của chiến lược, chứ không phải Afghanistan, trong khi hầu như toàn bộ nguồn lực hiện có lại được Washington đổ vào Kabul - thủ đô Afghanistan.

Thứ hai, mục tiêu của chiến lược ban đầu là phá vỡ, tiêu diệt và đánh bại mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đồng thời ngăn chặn lực lượng này tái hợp. Tuy nhiên, chỉ một bộ phận nhỏ al-Qaeda là ở Afghanistan, còn lại đóng sào huyệt tại Pakistan, Yemen, Somalia và nhiều nơi khác.

Thứ ba, chiến lược của Nhà Trắng nhằm xây dựng một chính phủ trung ương có quan điểm tương đồng với phương Tây ở Afghanistan. Tuy nhiên, cơ cấu chính trị ở quốc gia Nam Á này vẫn bị chi phối nặng nề bởi đặc thù về đất nước và văn hóa.

Thứ tư, chiến lược này tập trung vào phiến quân Taliban, được coi là "đại diện" cho al-Qaeda. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề lại là cách ứng xử với người Pashtun, chiếm khoảng 30% dân số Afghanistan, sinh sống chủ yếu ở vùng biên giới giáp Pakistan, nơi được coi là nơi ẩn náu của phiến quân.

Thứ năm, quân đội có thể chống lại Taliban, nhưng không thể tạo ra cơ chế điều hành hiệu quả. Trong khi đó, Mỹ lại không quan tâm tương xứng tới khía cạnh dân sự của chiến lược này.

Thứ sáu, thành công phụ thuộc vào một chính phủ có đủ năng lực và chính đáng ở Kabul, trong khi chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai không đáp ứng được cả hai tiêu chí đó.

Thứ bảy, thành công của chiến lược phụ thuộc vào tuyển dụng, huấn luyện và duy trì khả năng chiến đấu hiệu quả của các lực lượng an ninh Afghanistan. Tiến triển trong lĩnh vực này là khá chậm và thiếu bền vững. Ngoài ra, chiến lược cũng chưa xác định rốt cuộc ai sẽ chịu trách nhiệm trả lương cho đội quân này vì Kabul hiện chưa có đủ tiền để trả lương cho quân đội.

Thứ tám, tuy Mỹ đã nhận thức được sự cần thiết phải tôn trọng văn hóa địa phương, nhưng tiến trình này mới tiếp diễn. Nhiều phiên dịch viên của Mỹ không thông thạo tiếng Pastun khiến việc chuyển tải những thông điệp của phương Tây tới người dân Afghanistan gặp nhiều trở ngại.

Và cuối cùng, chiến lược bao hàm chủ yếu cách tiếp cận song phương, trong khi chỉ có giải pháp khu vực, với sự tham gia của các nước láng giềng của Afghanistan, chiến thắng lúc đó mới thực sự bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục