9 giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2025

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. (Ảnh: Vietnam+)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 31/12, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, đánh dấu một năm với nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực tài chính quốc gia đồng thời đặt ra những thách thức và giải pháp cho năm tiếp theo.

Thu ngân sách Nhà nước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng

Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo đó, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân được củng cố. Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán, đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng (bằng 119,1% dự toán, tăng 15,5% so với năm 2023), động viên vào ngân sách Nhà nước đạt 17,8% GDP.

Để có kết quả trên, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước, rà soát nguồn thu, chống thất thu và phấn đấu tăng thu. Đơn vị này cũng tham mưu, đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng.

2.jpg
Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước, rà soát nguồn thu, chống thất thu và phấn đấu tăng thu. (Ảnh: Vietnam+)

Quản lý chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm 5% chi thường xuyên (khoảng 5 nghìn tỷ đồng) dành cho xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Chi ngân sách Nhà nước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng (86,4% dự toán), chi đầu tư phát triển đạt 78,1% dự toán, giải ngân đạt 77,5% kế hoạch. Theo đó, cân đối ngân sách các cấp được đảm bảo. Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 330,4 nghìn tỷ đồng (bằng 82,59% kế hoạch) với lãi suất bình quân 2,52%/năm, đảm bảo nguồn chi trả nợ gốc.

Bộ Tài chính đã trình và thực hiện Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024, Chương trình quản lý nợ công 2024-2026, kiểm soát chặt chẽ nợ công. Cụ thể, nợ công được duy trì ở mức thấp 36%-37% GDP, nợ Chính phủ 33%-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp 20%-21% so với thu ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, hệ số tín nhiệm quốc gia được củng cố ở mức tích cực, bền vững. (S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng ổn định)

9 giải pháp trọng tâm

Năm 2025 là năm cuối cùng triển khai thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch tài chính 05 năm 2021-2025 và thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy theo Kết luận 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Đây cũng là năm triển khai xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 và tiến hành đại biểu địa phương các cấp để tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực được dự báo sẽ còn phức tạp, khó lường. Trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát, tỷ giá gia tăng, các vấn đề nội tại và thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2025.

1.jpg
Bộ Tài chính khẳng định quyết tâm, chủ động, linh hoạt và đề ra 9 giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành. (Ảnh: Vietnam+)

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%-7% và phấn đấu khoảng 7%-7,5%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4,5%, dự toán thu ngân sách Nhà nước là 1,97 triệu tỷ đồng và chi ngân sách Nhà nước là 2,5 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách Nhà nước là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP.

Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính khẳng định quyết tâm, chủ động, linh hoạt và đề ra 9 giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành.

Một là giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Cụ thể là tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh.

Hai là thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Ba là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.

Bốn là kiểm soát hiệu quả bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công, nghĩa vụ nợ dự phòng.

Năm là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Sáu là tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước.

Bảy là tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tám là tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Chín là chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, ngành Thuế đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng hơn 148 giải pháp công nghệ hiện đại, tích hợp toàn bộ hoạt động quản lý thuế lên môi trường số. (Ảnh: Vietnam+)

10 sự kiện nổi bật của ngành Thuế trong năm 2024

Năm 2024 đánh dấu những bước tiến vượt bậc của ngành Thuế Việt Nam trong việc hiện đại hóa, số hóa quản lý thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách.