Theo Cục Đường sắt Việt Nam, 85% số vụ tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn cả nước là có liên quan đến hệ thống đường ngang. Phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt trong năm 2010 cho thấy, trong tổng số 451 vụ tai nạn giao thông đường sắt có 13% số vụ xảy ra tại các đường ngang hợp pháp, 87% số vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh tự mở trái phép. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn tại đường ngang chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông tại các điểm giao cắt chưa cao, không chú ý quan sát tàu khi đi qua đường ngang biển báo. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt của người dân sinh sống tại các khu vực này vẫn cao, công tác quản lý đường ngang chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc quản lý công tác xây dựng hành lang an toàn đường ngang của chính quyền địa phương với ngành đường sắt. Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt có thể xảy ra bởi đường ngang dân sinh tự mở. Điển hình như Hà Nội có 14 km đường sắt tuyến Bắc-Nam từ Ga Hà Nội đến xã Nhị Khê (Thanh Trì) nhưng hiện nay có tới 55 đường ngang hợp pháp và có đến 169 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Vì vậy, muốn kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt thì việc đầu tư xây dựng đường gom và hàng rào đường gom tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dân cư là biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Cục kiến nghị trong năm 2011 các Bộ, nghành cần nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý, chấn chỉnh hoạt động vận tải, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông./.
Đường sắt Việt Nam có 5 tuyến chính, tổng chiều dài 3.172 km trong đó đường sắt chính tuyến có 2.682 km đi qua 33 tỉnh thành. Trên toàn mạng đường sắt hiện có 6.267 đường ngang trong đó có 1.542 đường ngang hợp pháp và 4.725 đường ngang bất hợp pháp. |
Mạnh Hùng (Vietnam+)