Trong số gần 600 trí thức trẻ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã theo Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học, tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã thuộc 64 huyện nghèo của 20 tỉnh trong cả nước (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã), đến nay có 583 đội viên “trụ lại.”
Trong số này, hơn 20 đội viên được bố trí làm công chức cấp huyện (2 đội viên là trưởng phòng cấp huyện, số còn lại làm công chức các phòng, ban chuyên môn của huyện); hơn 20 đội viên chính thức được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã.
Thông tin trên được Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Vũ Đăng Minh, Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã cho biết tại cuộc họp góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch tổng kết dự án, sáng 15/2.
Cũng theo ông Minh, qua đánh giá hàng năm, trên 95% đội viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, nhiều em trưởng thành từ dự án. Về cơ bản, các đội viên đã được bố trí công việc ổn định tại huyện, xã, chỉ còn 20% chưa được bố trí. Nhiều địa phương như Sơn La, Lai Châu rất khó khăn trong triển khai thực hiện thời gian đầu, nhưng đến nay Sơn La đã bố trí sử dụng được toàn bộ 49/49 đội viên, Lai Châu cũng đã có phương án bố trí cụ thể cho các đội viên trên địa bàn.
Các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng việc tổng kết phải bám sát vào nhiệm vụ của dự án, đánh giá các kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; đề xuất giải pháp tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả các trí thức trẻ sau khi dự án kết thúc, đặc biệt là rút ra bài học kinh nghiệm để đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, miền núi, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, nội dung tổng kết cần bám sát nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao, đề cương hướng dẫn tổng kết phải chi tiết, rút ra được bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cũng như nêu rõ trách nhiệm của từng địa phương khi kết thúc dự án. Đây là tổng kết việc thí điểm một chính sách mới, không phải tổng kết phong trào nên cần tổ chức với quy mô gọn nhẹ, thiết thực; nên tổng kết kỹ ở cấp tỉnh, phân công thành viên Ban quản lý Dự án đi các tỉnh để lắng nghe tiếng nói từ địa phương.
Đây là dự án để nghiên cứu chính sách đối với công tác cán bộ, như là một “phép thử,” Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải đánh giá dự án có thành công thực sự không, có bao nhiêu đội viên thực sự phục vụ các xã nghèo, tìm ra chính sách, bước đi mới với đội ngũ trí thức trẻ ở địa phương.
Qua tổng kết làm rõ định hướng có triển khai dự án nữa không, biện pháp xử lý đối với những trường hợp chưa trưởng thành và đề xuất các chính sách liên quan. Đó cũng là quan điểm của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn… Các ý kiến cho rằng việc tổng kết phải hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm, tập trung đánh giá chính sách, trả lời được các câu hỏi tính chất, hiệu quả bền vững, lâu dài của dự án là gì? năng lực của các đội viên có đáp ứng được công việc của Phó Chủ tịch xã không? những người không đạt yêu cầu của dự án thì giải quyết thế nào? việc triển khai, mục tiêu thời gian tới?
Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Hoàng Yến bày tỏ băn khoăn về con số hơn 20% đội viên chưa được quy hoạch, địa phương cũng không muốn giữ lại...
Theo dự thảo Kế hoạch, hội nghị tổng kết Dự án 600 Phó Chủ tịch xã sẽ diễn ra vào cuối tháng 8/2017./.