Cuộc trao đổi bị ghi âm lén đó thực tế diễn ra ngày 19/2, trong đó đề cập đến khả năng cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine. Đây cũng là chủ đề đã làm bùng lên các cuộc tranh luận chính trị ở Đức từ nhiều tuần qua.
Vụ “rò rỉ” nội dung các cuộc thảo luận rất nhạy cảm ở cấp cao nhất của không quân Đức đã chuyển thành vụ bê bối chính trị-quân sự ở Đức. Chính phủ Đức tố cáo vụ việc này nằm trong “cuộc chiến thông tin” của Nga. Tuy nhiên, phe đối lập ở Đức phẫn nộ trước việc trao đổi thông tin giữa các quan chức quân sự bị coi nhẹ một cách không thể chấp nhận được, đồng thời hối thúc Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải giải trình trước Quốc hội.
Vụ việc sẽ khiến giới quân sự Đức lúng túng với câu hỏi về tính bảo mật của thông tin được chuyển tới họ. Vụ việc có thể cũng khiến Ukraine chán nản khi tự hỏi không biết những thông tin quân sự mà họ đã chia sẻ với nhau đã bị các cơ quan đặc biệt đối phương ngăn chặn đến mức độ nào. Nói rộng hơn, lỗ hổng trong hệ thống bảo mật thông tin liên lạc của quân đội Đức trong vụ việc này có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa các đối tác phương Tây.
Dư luận báo chí Đức đã tỏ ra nghi ngại rằng các đồng minh như Mỹ hay Anh tới đây sẽ chia sẻ các thông tin quan trọng ít hơn với nước Đức. Và câu hỏi chính vào lúc này là liệu vụ rò rỉ thông tin có khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz thay đổi ý kiến về việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine hay không./.