75 năm TTXVN: Dòng tin chính thống kết nối thế giới

Nếu nói rằng TTXVN đồng hành cùng đất nước trong 75 năm qua, thì sự phát triển của mạng lưới Cơ quan thường trú ngoài nước cũng gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong hành trình lịch sử ấy.
Phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Moskva Duy Trinh đưa tin tại họp báo NĂM 2019 của Tổng thống Nga. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

"Chuyên nghiệp," "xả thân vì công việc," “sáng tạo,” “nhiệt huyết,” “cung cấp những nguồn tin đáng tin cậy”…, không phải ngẫu nhiên mà cả Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh, Đại sứ tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam và Đại sứ tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi đều có chung những nhận xét như vậy về các phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại địa bàn.

Sau những lời chia sẻ của các đại sứ, có lẽ chính là sự tin tưởng và đánh giá cao dành cho đội ngũ phóng viên TTXVN tại các Cơ quan thường trú ngoài nước, vốn được coi là một thế mạnh của TTXVN so với các cơ quan báo chí khác, bởi cho tới nay, chưa có cơ quan báo chí nào của Việt Nam có được hệ thống Cơ quan thường trú ở nước ngoài đông đảo như vậy.

Từ dấu mốc chính thức thành lập Cơ quan thường trú ngoài nước đầu tiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1952 (trước đó, từ tháng 8/1946, TTXVN đã có đại diện tại Bangkok, Thái Lan), mạng lưới Cơ quan thường trú ngoài nước của TTXVN theo thời gian không ngừng lớn mạnh, hiện diện ở cả 5 châu lục, trở thành một trong những bộ phận quan trọng tạo nên sức mạnh và vị thế của TTXVN. 

Nếu nói rằng TTXVN đồng hành cùng đất nước trong 75 năm qua, thì sự phát triển của mạng lưới Cơ quan thường trú ngoài nước cũng gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong hành trình lịch sử ấy.

Sau sự kiện thành lập Cơ quan thường trú ngoài nước đầu tiên, bước chân phóng viên TTXVN tiến ngày càng xa ra thế giới, từ những Cơ quan thường trú ở các nước láng giềng, như Cơ quan thường trú Phnompenh (Campuchia) ra đời năm 1957, đến Cơ quan thường trú đầu tiên ở châu Âu (tại Paris, Pháp) năm 1958, và chỉ trong 2 năm 1965-1967, TTXVN đã mở thêm 4 cơ quan đại diện ở Alger (Algeria), La Habana (Cuba), Cairo (Ai Cập) và Moskva (Liên Xô).

[Những bước chân thông tấn tại các điểm nóng thế giới]

Cứ như vậy, 5 năm sau ngày thống nhất đất nước, tới năm 1980, TTXVN đã có 12 Cơ quan thường trú ngoài nước, trong đó có Cơ quan thường trú tại New York thành lập năm 1979, đánh dấu sự kiện Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc (tháng 9/1977).

Cùng với chiến lược đổi mới, đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, mạng lưới Cơ quan thường trú ngoài nước của TTXVN cũng phát triển nhanh chóng kể từ những năm đầu thập niên 1990, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc)… và Cơ quan thường trú tại Washington (Mỹ) thành lập tháng 12/1995, ngay sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ.

Năm 1997 ghi dấu trong lịch sử phát triển TTXVN với 4 Cơ quan thường trú ngoài nước ra đời, trong đó có địa chỉ đầu tiên ở châu Đại Dương là Sydney (Australia).

Ba cơ sở khai trương năm 2013, Singapore, Tel Aviv (Israel), Praha (CH Séc) đã nâng tổng số Cơ quan thường trú ngoài nước của TTXVN lên 30, trải dài từ châu Á-Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Âu, đến châu Đại Dương và châu Phi, cùng với đội ngũ phóng viên có mặt tại hầu khắp các địa bàn trọng điểm trên thế giới.

Có thể khẳng định Cơ quan thường trú ngoài nước là một trong những nguồn cung cấp thông tin quốc tế cũng như thông tin về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hết sức quan trọng và tin cậy của TTXVN.

Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Hoạt động tác nghiệp hiệu quả của các phóng viên TTXVN tại nước ngoài không chỉ bảo đảm tăng số lượng và chất lượng thông tin, mà còn nâng tầm hãng thông tấn quốc gia trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập.

Sự có mặt tại chỗ của phóng viên khiến cho thông tin không chỉ được truyền tải nhanh, kịp thời cập nhật, đầy đủ, chính xác mà còn có thể được kiểm chứng rõ ràng, tạo sức thuyết phục cao.

Đặc biệt, ở các nước và khu vực có sự chênh lệch múi giờ với Việt Nam, như khu vực châu Mỹ chênh lệch từ 11-14h, châu Âu, châu Phi và Trung Đông từ 4-7h, hoạt động tác nghiệp của Cơ quan thường trú ngoài nước giúp nâng cao đáng kể tính đa dạng và sức cạnh tranh trong thông tin quốc tế của TTXVN.

Sự hiện diện liên tục, trực tiếp của phóng viên TTXVN cùng những dòng tin breaking news, những bức ảnh và tin truyền hình đưa trực tiếp tại hiện trường các sự kiện thời sự nóng, như vụ khủng bố ở Paris (Pháp) ngày 13/11/2015, cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) 23/6/2016, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018, vụ phát hiện thi thể 39 người Việt trong một xe tải đông lạnh tại Grays, hạt Essex, Anh hồi tháng 10/2019 … là minh chứng cho hiệu quả hoạt động của mạng lưới Cơ quan thường trú ngoài nước.

Hình ảnh các phóng viên Cơ quan thường trú ngoài nước thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, đưa tin, chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn tại hiện trường và đưa ra những nhận định, dự báo… đang góp phần khẳng định uy tín và “thương hiệu” dòng thông tin chính thống của TTXVN.

Đơn cử như sự kiện cảnh sát hạt Essex công bố kết quả điều tra xác minh danh tính 39 nạn nhân, nhóm 3 phóng viên Cơ quan thường trú London đã đến trụ sở cảnh sát Essex, cách London 2 giờ chạy xe, để đưa tin, chụp ảnh và phát tin ghi hình tại chỗ.

Và ngay tại hiện trường, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng tới từng chi tiết, người đọc tin âm thanh thu ngay trên xe ô tô, người quay phim, dẫn hiện trường…. tin của phóng viên Cơ quan thường trú được phát về nhà luôn sau khi cảnh sát Essex công bố vài phút, và thông tin breaking news về sự việc này được Truyền hình Thông tấn  phát sớm nhất trong các kênh truyền hình trong nước, cùng những dòng tin và bức ảnh chụp tại hiện trường nhanh chóng được đăng tải.

Năm nay, trong bối cảnh cả thế giới đang hứng chịu những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, các Cơ quan thường trú ngoài nước đã thể hiện vai trò “xung kích”, bám sát, theo đuổi, vượt qua mọi khó khăn để những dòng thông tin nóng hổi nhất, những bức ảnh, khuôn hình chất lượng nhất về tình hình dịch COVID-19 từ địa bàn, ngày đêm không ngừng nghỉ đến được sớm nhất với người đọc, người xem ở Việt Nam.

Từ New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc), Jakarta (Indonesia) tới London (Anh), Rome (Italy), Moskva (Nga), rồi Pretoria (Nam Phi), Cairo (Ai Cập), Sydney (Australia) hay Mexico, Buenot Aires (Argentina)... chỉ trong 3 tháng, hơn 90 bài phân tích, đánh giá về chủ đề đại dịch COVID-19 đã được đăng phát.

Chứng kiến sự chủ động, trách nhiệm trong công việc của các phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh chia sẻ: “Tôi đặc biệt ấn tượng về tinh thần làm việc của phóng viên TTXVN tại địa bàn, có thể nói là tinh thần xả thân vì công việc, kịp thời có mặt để đưa tin về diễn biến tình hình dịch bệnh tại Liên bang Nga, về hoạt động của mạng lưới người Việt Nam phòng chống dịch COVID-19, những nỗ lực đưa công dân Việt Nam về nước...”

Phóng viên TTXVN phỏng vấn Tiến sỹ Lý Tiến Hùng, Phòng công tác Lưu học sinh - Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN)

Không chỉ đóng góp cung cấp thông tin tại địa bàn (lượng thông tin từ các Cơ quan thường trú ngoài nước chiếm khoảng 40% số lượng thông tin quốc tế của TTXVN ở tất cả các loại hình), Cơ quan thường trú ngoài nước còn giúp nâng công tác thông tin đối ngoại lên một tầm cao mới, như đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi.

Sang nhận công tác được một thời gian ngắn thì đại dịch COVID-19 ập đến, Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch công tác do nước bạn áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và hầu hết các cơ quan công quyền đã buộc phải đóng cửa để ngăn đà lây lan của đại dịch thế kỷ này.

Trong bối cảnh đó, Cơ quan thường trú TTXVN tại Nam Phi đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại của Đại sứ quán.

Những đề xuất của Cơ quan thường trú đã được Đại sứ hoan nghênh và ngay sau đó được triển khai thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi.

Hàng loạt tin bài bằng tiếng Anh do TTXVN và Đại sứ quán phối hợp cung cấp đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Nam Phi, qua đó giúp dư luận nước sở tại hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về Việt Nam.

“Cá nhân tôi cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam khác tại Nam Phi đã may mắn khi có cơ hội cộng tác với các phóng viên của Cơ quan thường trú TTXVN.” Có lẽ lời tâm sự của Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã đủ để nói lên tất cả.        

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam thì cho rằng “thông tin của TTXVN là một nguồn dinh dưỡng không thể thiếu được của các cán bộ ngoại giao và ngành ngoại giao."

Ông nhắc lại sau khi đất nước thống nhất, TTXVN đã sớm thành lập văn phòng đại diện tại Tokyo, giúp đưa các thông tin chính xác tới bạn bè Nhật Bản, tranh thủ được tình cảm và sự ủng hộ của người dân Nhật Bản. 

Vì thế, ông cho rằng TTXVN đã đóng góp rất lớn vào hoạt động thông tin đối ngoại, một mặt giúp ngành ngoại giao truyền bá thông tin, đưa các thông tin chính thức của đất nước tới bạn bè và giúp cho các bạn bè hiểu hơn về Việt Nam; mặt khác,  giúp cho ngành ngoại giao có được các thông tin chính thống, chính xác và kịp thời để các cán bộ ngoại giao sử dụng làm công tác đối ngoại. 

Sự hiện diện và hoạt động của mạng lưới Cơ quan thường trú ngoài nước không chỉ là “cầu nối” tạo điều kiện để TTXVN tăng cường quan hệ song phương với các hãng thông tấn và cơ quan báo chí lớn của quốc gia sở tại, mà còn giúp TTXVN mở rộng quan hệ song phương và đa phương tới nhiều đối tác quốc tế.

Tới nay, TTXVN đã có quan hệ với hơn 40 hãng thông tấn và các tổ chức báo chí lớn trên thế giới, đồng thời, thông qua sự kết nối của các Cơ quan thường trú ngoài nước, quan hệ hợp tác quốc tế của TTXVN đang ngày càng phát triển.

Ông Jean-Pierre Archambault, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt, Tổng Biên tập tạp chí uy tín Perspectives France-Vietnam (Triển vọng Pháp - Việt) thường nhắc lại việc tòa soạn tạp chí của ông đã được Cơ quan đại diện TTXVN tại Pháp hỗ trợ tìm những hình ảnh tư liệu về Việt Nam, một trong những lý do khiến ông khẳng định quan hệ hợp tác với TTXVN “là mối quan hệ được đánh dấu bằng tình hữu nghị”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục