Ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử ông Hoàng Đạo Thúy làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và trực tiếp gặp ông Hoàng Đạo Thúy để giao nhiệm vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Hoàng Đạo Thúy chiếc quạt giấy và căn dặn: “Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên.” Sau này, chiếc quạt đã được ông Hoàng Đạo Thúy tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chiếc quạt đó đang được trưng bày tại triển lãm chuyên đề "Thi đua ái quốc-Ươm những mầm xanh" khai mạc ngày 9/6 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
Cùng với chiếc quạt của phong trào thi đua ái quốc năm 1948 là 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến các phong trào sôi nổi khác từ thời đại Hồ Chí Minh đến nay.
[Trao giải cuộc thi viết Những tấm gương bình dị mà cao quý]
Các hiện vật quý có thể kể đến: Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/6/1948, súng ngắn Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Anh hùng Quân đội Nguyễn Thị Chiên tại Đại hội Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tháng 5/1952; một số dụng cụ y tế mà Giáo sư, bác sỹ, Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng đã sử dụng để khám, điều trị cho bệnh nhân; máy điện châm, kim châm cứu (trường châm) của Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Tài Thu dùng những năm 1996-2000...
Triển lãm chia làm 3 nội dung chính: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua ái quốc”; “Thi đua là yêu nước-Yêu nước thì phải thi đua” và “Khát vọng tuổi trẻ-Ươm những mầm xanh.”
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn, cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt "giặc đói," "giặc dốt," giặc ngoại xâm, làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Dưới ánh sáng tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, trải qua những chặng đường nối tiếp với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước phát triển theo một dòng chảy liên tục, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn bảy thập kỷ qua.
Trưng bày "Thi đua ái quốc-Ươm những mầm xanh" góp phần khẳng định ý nghĩa, vị trí, vai trò và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của cách mạng Việt Nam.
Triển lãm cũng phản ánh những tấm gương sống động, thể hiện tinh thần những công việc hàng ngày chính là nền tảng để thi đua như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động, từ đó, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong mỗi con người Việt Nam, góp phần dựng xây Tổ quốc, ươm những mầm xanh vì sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiếp nhận nhiều tư liệu hiện vật về phong trào thi đua “Nghìn việc tốt” do Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn trao tặng. Ông là người khởi xướng phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ," gọi tắt là phong trào "Nghìn việc tốt" vào năm 1963. Phong trào tiếp tục lan tỏa rộng rãi khắp miền Bắc đến miền Nam. Ông đã đi từ Cao Bằng tới Cà Mau để nhân rộng phong trào...
Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh cũng trao tặng bộ đồ luyện tập thể thao được cô sử dụng trong tập luyện và giành được 4 huy chương Vàng tại SEA Games 32 tại Campuchia.
Triển lãm mở cửa đến ngày 9/8 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.