75 năm ngành Ngoại giao Việt Nam: Những mốc son rực rỡ

Với truyền thống 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
75 năm ngành Ngoại giao Việt Nam: Những mốc son rực rỡ ảnh 1Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba tại trụ sở Bộ Ngoại giao (từ 16/12/1963 đến 16/1/1964). (Ảnh tư liệu)

75 năm trước, trong không khí cách mạng sục sôi của mùa thu Tháng Tám, Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28/8/1945 thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chính thức khai sinh ra nền Ngoại giao Việt Nam.

Điều này cho thấy ngay từ buổi đầu lập nước, Đảng và Bác Hồ đã hết sức coi trọng vai trò của công tác đối ngoại với tư cách là một "vũ khí" quan trọng để bảo vệ lợi ích dân tộc.

Góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước

Ngay từ những ngày đầu lập nước, dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng tiền bối, Ngoại giao Việt Nam đã khéo léo, bản lĩnh thể hiện vai trò tiên phong trong việc giữ vững độc lập nước nhà, góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ.

Dù phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, bằng Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, Ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ với việc thực hiện sách lược “hòa để tiến,” phân hóa kẻ thù, tranh thủ thêm thời gian củng cố lực lượng để chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến.

Những quyết sách đối ngoại táo bạo, đúng đắn trong thời khắc vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” càng làm nổi bật tầm vóc tư tưởng và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại.

Từ nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến,” “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” đến sách lược ngoại giao tâm công và phương châm “thêm bạn, bớt thù,” tất cả đã trở thành những bài học kinh điển về nghệ thuật ngoại giao mang đậm phong cách Hồ Chí Minh mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

[75 năm ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng]

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Ngoại giao Việt Nam đã thực sự trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Không chỉ đơn thuần phản ánh cục diện trên chiến trường, Ngoại giao còn chủ động, tích cực tập hợp lực lượng, tạo tiền đề thuận lợi cho các mặt trận quân sự và chính trị.

Đóng vai trò cầu nối giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, kể cả nhân dân các nước gây chiến, Ngoại giao đã đi đầu trong việc vận động, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, công nhận nền hòa bình và độc lập của Việt Nam.

75 năm ngành Ngoại giao Việt Nam: Những mốc son rực rỡ ảnh 2Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.

Mặt trận ngoại giao đã sát cánh cùng mặt trận quân sự “vừa đánh vừa đàm” và cụ thể hóa những thắng lợi ở chiến trường trên bàn đàm phán qua các Hiệp định Gèneve năm 1954, Hiệp định Paris năm 1973, để từ đó dân tộc đi tới đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối.

Trong những năm tháng hào hùng đó, Ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một biểu tượng trong lòng bạn bè quốc tế về một dân tộc anh hùng, yêu chuộng hòa bình và luôn khát khao độc lập, tự do.

Đây cũng là giai đoạn chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá về nguyên tắc độc lập, tự chủ, cách bảo vệ lợi ích của nước nhỏ tại đấu trường ngoại giao đa phương, về sách lược “vừa đánh, vừa đàm”. Đặc biệt, cách ứng xử khéo léo trong quan hệ với các nước lớn theo phương châm “ngũ tri” mang đậm triết lý phương Đông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên tầm nghệ thuật.

Góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Thực hiện đúng mong muốn “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước” mà Bác Hồ luôn tâm niệm ngay từ những ngày đầu lập nước, Việt Nam ngày nay đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”

Trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới, Ngoại giao Việt Nam có sứ mệnh mới, góp phần quan trọng tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế và gia tăng thế lực cho đất nước.

75 năm ngành Ngoại giao Việt Nam: Những mốc son rực rỡ ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước.

Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả cả nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách. Việt Nam là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc.

Việt Nam đã, đang đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021.

Việt Nam cũng thể hiện xuất sắc cương vị nước chủ nhà của nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) lần thứ 7 năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 5 năm 2005, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) năm 2015, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018, Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 năm 2019.

Hiện nay, Việt Nam đang phát huy hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, như góp phần bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy hoà bình và hoà giải trên bán đảo Triều Tiên...

Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng rộng mở, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua việc ký các hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Dù dịch COVID-19 đang gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Hội nhập quốc tế về chính trị-an ninh-quốc phòng, xã hội-văn hoá và các lĩnh vực khác ngày càng sâu sắc.

Trong môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, đối ngoại đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta đã nỗ lực xây dựng đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị và phát triển với Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Trước những phức tạp ở Biển Đông, chúng ta đã đánh giá đúng tình hình, đấu tranh, xử lý kịp thời, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển.

Có thể nói, những thành tích vẻ vang đã đạt được trong chặng đường 75 năm qua đã thể hiện rõ nét vị trí, vai trò của ngành Ngoại giao nói riêng và công tác đối ngoại nói chung trong sự nghiệp cách mạng nước ta.

Những thành tựu của ngành Ngoại giao là điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước, cũng khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và các chủ trương đối ngoại của Đảng ta mà trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan tham mưu nòng cốt.

Với truyền thống 75 năm tiếp bước tinh thần ngoại giao đồng hành cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục