75 năm Liên hợp quốc: Hóa giải thách thức bằng tinh thần đa phương

Đúng 75 năm trước, LHQ ra đời sau khi thế giới trải qua cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử, Chiến tranh thế giới thứ hai, với một mục tiêu cao cả: không thể để xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba.
75 năm Liên hợp quốc: Hóa giải thách thức bằng tinh thần đa phương ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres. (Nguồn: Hữu Thanh/TTXVN)

Ngày 24/10/2020, toàn thế giới kỷ niệm Liên hợp quốc thành lập được 75 năm, đánh dấu một chặng đường lịch sử đáng nhớ và đáng tự hào của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Đây cũng là thời điểm vàng để 193 nước thành viên Liên hợp quốc cùng nhìn lại và hoạch định lộ trình cho những năm sắp tới, khi mà những thách thức đối với thế giới ngày càng lớn hơn và cam go hơn.

Đúng 75 năm trước, Liên hợp quốc ra đời sau khi thế giới vừa trải qua cuộc chiến được xem là tàn khốc nhất trong lịch sử loài người, Chiến tranh thế giới thứ hai, với một mục tiêu cao cả: không thể để Chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra.

Ngày hôm nay, những người đứng đầu Liên hợp quốc và các nước thành viên có thể ngẩng cao đầu tự hào rằng những nỗ lực phụng sự và phấn đấu của Liên hợp quốc vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh đã đạt được nhiều thành quả.

Trên hết, người dân trên thế giới đã không phải trải qua một cuộc chiến nào khủng khiếp như hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.

Dù phải đối mặt với muôn vàn thách thức, khó khăn, Liên hợp quốc của ngày hôm nay thực sự là tổ chức hùng mạnh nhất thế giới.

[Việt Nam tin LHQ tiếp tục là "ngọn hải đăng" của hợp tác đa phương]

Từ lúc chỉ có 51 nước tham gia khi thành lập vào năm 1945, Liên hợp quốc hiện có 193 nước thành viên, không ít trong số đó từng là những nước thuộc địa đã vùng lên đấu tranh để trở thành quốc gia độc lập, như Việt Nam.

Ý tưởng về một tổ chức có thể duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ra đời từ năm 1942, khi 4 cường quốc thế giới lúc đó là Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc khởi xướng và ký kết tuyên bố Liên hợp quốc.

Kể từ khi Hiến chương Liên hợp quốc chính thức có hiệu lực vào ngày 24/10/1945, lần đầu tiên thế giới đã có những quy chuẩn hiến pháp toàn cầu, cho phép Liên hợp quốc can thiệp trực tiếp, ngăn chặn những hành động hiếu chiến của bất kỳ nước nào, nhằm đảm bảo cho các dân tộc trên thế giới chung sống hòa bình và lâu dài.

Có thể nói những gì Liên hợp quốc đã mang lại cho thế giới trong suốt 75 năm qua là hết sức đáng ghi nhận và vượt quá những kỳ vọng ban đầu.

Người ta luôn thấy vai trò của Liên hợp quốc trong những thời khắc quan trọng của thế giới: Đó là nỗ lực chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh hay ứng phó toàn cầu sau cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001…

Hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như hỗ trợ nhiều nước chuyển tiếp từ thời chiến sang thời bình đã khiến Liên hợp quốc hơn một lần được vinh danh nhận giải Nobel Hòa Bình.

Những chiến sỹ mũ nồi xanh của Liên hợp quốc đã cứu hàng nghìn, hàng vạn mạng sống của người dân khỏi bạo lực, giết chóc ở các vùng xung đột và trở thành cầu nối kiến tạo hòa giải cho rất nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

75 năm Liên hợp quốc: Hóa giải thách thức bằng tinh thần đa phương ảnh 2Các nữ bác sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (15/10/2018). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trên chặng đường 75 năm đầy vẻ vang, không phải nỗ lực nào của Liên hợp quốc cũng được thừa nhận, nhưng chắc chắn thế giới không thể phủ nhận vai trò của Liên hợp quốc trong kết nối đa phương để hạn chế phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân do Liên hợp quốc khởi xướng đang tiến từng bước vững chắc tới đích có đủ số nước tham gia để có thể được phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 2021.

Đây là một trong những thành quả quan trọng khẳng định vai trò không thể thiếu của Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình thế giới.

Nhờ những tiêu chuẩn và hành động cương quyết của Liên hợp quốc đối với những các nước có ý định sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học cũng như vũ khí sinh học mà thế giới tránh được nguy cơ phải đối mặt với thảm họa lớn liên quan tới 2 loại vũ khí khủng khiếp này, dù rằng vẫn chưa thể loại bỏ chúng hoàn toàn.

Liên hợp quốc cũng đóng góp đáng kể trong việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý để kiểm soát và giới hạn hoạt động buôn bán vũ khí, đồng thời có nhiều nỗ lực nhằm hướng tới xóa bỏ hoàn toàn mìn sát thương trong xung đột.

Tuy nhiên, dù có những thành tựu to lớn mang lại lợi ích cho nhân loại như vậy, Liên hợp quốc hiện đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, hoài nghi.

Những vấn đề Liên hợp quốc phải đương đầu giờ đây không chỉ gói gọn trong các mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh như đã đề ra hồi năm 1945, mà đó còn là tình hình môi trường ngày càng xuống cấp, quyền con người chưa được đảm bảo ở nhiều nơi trên thế giới, và hậu quả chiến tranh, xung đột đang khiến hàng triệu người phải di cư, tị nạn, sống trong đói nghèo, dựa hoàn toàn vào hỗ trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế.

Bất chấp nỗ lực không mệt mỏi, Liên hợp quốc vẫn chưa thể đạt được mục tiêu trong một số lĩnh vực trụ cột, như chưa thể trao quyền nhiều hơn cho người nghèo, người yếu thế, chưa thể chấm dứt những cuộc xung đột dai dẳng.

Đây cũng chính là những vấn đề khiến Liên hợp quốc nhận chỉ trích từ một số nước thành viên.

Đúng vào năm kỷ niệm 75 năm thành lập 2020, đại dịch COVID-19, kéo theo là nền kinh tế toàn cầu suy thoái, bất ổn và xu hướng một số nước lớn ngả về con đường chủ nghĩa đơn phương đã khiến Liên hợp quốc phải đối mặt với câu hỏi: liệu rằng sự tồn tại của tổ chức này có còn phù hợp với những gì đang diễn ra hôm nay hay không?

Từ lâu, 5 siêu cường mang trọng trách ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực duy nhất của Liên hợp quốc có quyền ra các quyết định mang tính thực thi nhằm duy trì ổn định, hòa bình trên thế giới, đã rơi vào tình trạng bất đồng, không thể nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng. Một số nước tỏ ra không còn mặn mà với sứ mệnh của Liên hợp quốc mà chính họ đóng vai trò trung tâm.

Mỹ đã rút khỏi nhiều cơ quan của Liên hợp quốc như Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa (UNESCO), Hội đồng Nhân quyền và mới đây khởi động việc rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO); nước Anh mải bận rộn trong “cuộc chia tay” với Liên minh châu Âu; Nga và Trung Quốc quan tâm tới việc tạo lập những quy chuẩn mới cho trật tự thế giới…

Bởi vậy, những vấn đề nóng nhất như đại dịch, biến đổi khí hậu, di cư, đói nghèo vẫn còn đó trên bàn nghị sự của Liên hợp quốc nhưng chưa biết đến lúc nào mới có thể được giải quyết được rốt ráo trên tinh thần đa phương của các nước. Những cuộc khủng hoảng tại Syria, Yemen, xung đột Israel-Palestine... nhiều năm qua vẫn không có giải pháp thấu đáo.

75 năm Liên hợp quốc: Hóa giải thách thức bằng tinh thần đa phương ảnh 3Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN)

Đánh giá những khó khăn của Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, thừa nhận Liên hợp quốc đang đứng trước rất nhiều thách thức đối với cả 3 trụ cột: bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới; thúc đẩy phát triển bền vững; và thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Nhiều cuộc xung đột kéo dài cả thập niên ngày càng trở nên trầm trọng hơn; Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 khó đạt được theo đúng lộ trình vì thiếu nguồn lực trầm trọng và vấn đề quyền con người ở những khu vực có xung đột vũ trang vẫn đang thực sự nhức nhối.

Thêm vào đó là sự xuất hiện của những thách thức mới, trực tiếp là đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở khắp nơi.

Nhưng, khi số ca mắc COVID-19 của thế giới đang tiến tới con số 43 triệu người còn số ca tử vong đã vượt quá 1,1 triệu, đại dịch khiến các hoạt động thương mại, ngoại giao, đi lại bị tê liệt, thậm chí sự kết nối, tương tác giữa người và người cũng hạn chế, thì cả thế giới cũng ngỡ ngàng nhận ra: hành tinh toàn cầu hóa của chúng ta dễ tổn thương biết bao nhiêu.

Có lẽ chính đại dịch đang khiến thế giới nhận ra rằng cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, đảm bảo cho Liên hợp quốc phát huy được vai trò không thể thiếu là con đường duy nhất để thế giới có thể cùng nhau vượt qua những thách thức toàn cầu hiện nay.

Chưa bao giờ vấn đề cải tổ lại trở nên cấp thiết đối với Liên hợp quốc như lúc này, để tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh có thể phát huy vai trò điều hòa lợi ích, thu hẹp bất đồng, xóa bỏ chia rẽ chính trị vì những mục tiêu lớn lao.

Dấu mốc 75 năm lịch sử đang đặt ra cho Liên hợp quốc cơ hội để củng cố và xây dựng tổ chức vững mạnh hơn thông qua những cam kết mạnh mẽ đối với hệ thống luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Liên minh châu Phi.

Với quyết tâm, với những giá trị đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong Tuyên bố toàn cầu về quyền con người, chắc chắn Liên hợp quốc sẽ vẫn là cơ quan lớn nhất và duy nhất trên hành tinh có thể hóa giải được cả những thách thức mới cũng như những vấn đề đã tồn tại từ lâu để hướng tới một thế giới công bằng, bao trùm, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Đề cập vai trò của Liên hợp quốc nhân dịp tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh kỷ niệm 75 năm thành lập, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý nhấn mạnh: “Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, đã và đang nỗ lực hết mình để củng cố đoàn kết trong Liên hợp quốc, đồng thời góp phần khẳng định rằng chỉ có cách tiếp cận đa phương mới giải quyết được những vấn đề mà Liên hợp quốc hiện nay đang đối mặt.”

Đó cũng chính là tinh thần thông điệp của các nhà lãnh đạo Việt Nam nhân khóa họp thứ 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua: các nước thành viên Liên hợp quốc, vốn đã cùng nhau xây dựng một Liên hợp quốc vì hòa bình, hợp tác và phát triển suốt 75 năm qua, ngày nay có trách nhiệm hợp tác để tiếp tục củng cố và tăng cường sức sống cho tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này trước các thách thức và cơ hội to lớn của thế kỷ XXI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục