75 hãng công nghệ tham gia sáng kiến "Tech For Good Call" của Pháp

Ngoài các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Microsoft, Twitter, Snapchat và Huawei, sáng kiến "Tech For Good Call" còn thu hút sự tham gia của một loạt hãng công nghệ vừa và nhỏ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chụp ảnh cùng lãnh đạo các tập đoàn công nghệ tham gia sáng kiến "Tech For Good Call" ngày 24/5/2018. (Ảnh: AFP)

75 hãng công nghệ lớn bao gồm hai tập đoàn lớn là Google và Facebook cam kết sẽ thực hiện sáng kiến "Tech For Good Call" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố từ năm 2018. 

Điện Elysee ngày 30/11 cho biết 75 hãng công nghệ đã cùng nhau ký kết tham gia sáng kiến "Tech For Good Call" của Tổng thống Emmanuel Macron. Với việc tham gia sáng kiến này, các hãng công nghệ cam kết chịu trách nhiệm đóng góp thuế một cách công bằng cho các quốc gia mà các hãng này có hoạt động kinh doanh.

Theo Tổng thống Pháp, mục đích của sáng kiến "Tech For Good Call" là nhằm đưa ra các nguyên tắc và giá trị để đảm bảo rằng mạng Internet trở thành không gian tự do, cởi mở và an toàn ở cấp độ toàn cầu.

Ngoài các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Microsoft, Twitter, Snapchat và Huawei, sáng kiến "Tech For Good Call" còn thu hút sự tham gia của một loạt hãng công nghệ vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp cũng như các tổ chức phi chính phủ.

[Facebook đồng ý chia sẻ dữ liệu nghi phạm phát ngôn thù hận cho Pháp]

Mặc dù theo thông báo, hai cái tên lớn trong làng công nghệ là Amazon và Apple không có tên trong số những hãng công nghệ tham gia sáng kiến mới này, song nhiều nguồn tin của Điện Elysee cho biết cả hai tập đoàn này cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia.

"Tech For Good Call" bao gồm 8 cam kết về việc tham gia các quy tắc không gian kỹ thuật số với việc tập trung vào các biện pháp minh bạch để ngăn chặn việc phổ biến nội dung liên quan tới khiêu dâm trẻ em, chủ nghĩa khủng bố hay bạo lực cực đoan. Các biện pháp này cũng sẽ đảm bảo cho người sử dụng có quyền tự do lựa chọn.

Các hãng công nghệ tham gia sáng kiến cũng cam kết thực hiện trách nhiệm kinh tế và xã hội bằng cách đóng góp thuế một cách công bằng cho cơ quan thuế của các quốc gia sở tại mà họ hoạt động.

Vấn đề nộp thuế tại các nước nơi các hãng công nghệ hoạt động vốn là chủ đề nhạy cảm trong nhiều năm trở lại đây. Theo luật của Liên minh châu Âu (EU), các công ty có trụ sở tại Mỹ có thể khai báo lợi nhuận tại EU từ một quốc gia thành viên.

Chính vì vậy, các tập đoàn công nghệ thượng lựa chọn khai báo lợi nhuận tại các nước có mức thuế thấp, như Ireland hay Hà Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục