Khi mùa Thu nước Nga đã gần đi trọn khúc chuyển mùa lộng lẫy, đoàn đại biểu Việt Nam có cơ hội được tới thăm nước cộng hòa Kalmykia- vùng đất thảo nguyên tươi đẹp với những con người nhân hậu và giàu lòng mến khách vào một dịp đặc biệt: diễn đàn quốc tế Nga-Việt “ Con đường hòa bình” tại Cộng hòa Kalmykia thuộc Nga.
Diễn đàn lần này đặc biệt có ý nghĩa vì nó được tổ chức vào dịp năm hữu nghị Việt Nam tại Liên bang Nga và Liên bang Nga tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 25 năm ký kết hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam-Liên bang Nga vào năm 2020.
Việt Nam và Liên bang Nga có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, nhân dân hai nước đã gắn bó và hết mình giúp đỡ nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Trong gần 70 năm qua, hai nước chúng ta đã vun đắp và tô thắm tượng đài hữu nghị Nga-Việt bằng tình cảm, công sức và sự hi sinh quên mình của nhiều thế hệ người dân hai nước.
Quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga ngày nay là mối quan hệ tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và biến động lịch sử, trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mối quan hệ này ngày càng khởi sắc và phát triển không chỉ ở cấp trung ương mà cả giữa những địa phương hai nước.
Kalmykia đã từng được đón nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết và nhiều vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Mới đây Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh cũng đã thăm và làm việc tại nước cộng hòa Kalmykia.
Đối với chúng tôi, những đại diện của hầu hết các lĩnh vực hoạt động của người Việt tại Liên bang Nga – từ nhà hoạt động pháp lý, nghệ sỹ, nhà khoa học, nhà báo, đại diện cho Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga - thì mỗi chuyến đi đến Kalmykia đều để lại ấn tượng và tình cảm sâu đậm, như trở về nhà của mình.
Tôi rất tâm đắc với câu nói của Chủ tịch quỹ quốc tế “Con đường hòa bình”, bà Irina Anatolievna Umnova-Kornhiukhova “ Con đường hòa bình- đó không chỉ là con đường đi, đó là lối sống được xây dựng trên tình yêu hòa bình.”
Con đường hòa bình Nga-Việt được khởi xướng bởi Quỹ quốc tế “Con đường hòa bình” và đặc biệt là những nỗ lực cá nhân của bà chủ tịch Irina Umnova đã trải dài khắp các nẻo đường Nga-Việt: từ Moskva đến Hà Nôi, từ Saint-Petersburg đến Thành phố Hồ Chí Minh, từ những làng quê xa xôi nơi có những người dân tộc Mường sinh sống của tỉnh Hòa Bình (Việt Nam) giờ đây đã đến những vùng quê thảo nguyên mênh mông của Kalmykia-làng Adyk.
Chủ đề của diễn đàn Con đường hòa bình lần này “ Môi trường, du lịch sinh thái, thám hiểm thế hệ mới: đối thoại của các nền văn minh.” Những tham luận tại Hội thảo tại Elista đều rất có giá trị cả về lý thuyết lẫn thực tiễn: cách đặt vấn đề, đặc biệt là mục tiêu cuối cùng: phát triển song không hy sinh bản sắc của chính quyền Kalmykia rất có ích cho Việt Nam, đất nước đang phát triển mạnh về du lịch và những vấn đề môi trường cũng như văn hóa hơn lúc nào hết được đặt ra hết sức nóng bỏng.
Tôi rất thích cách tiếp cận chủ đề của diễn đàn con đường hòa bình lần này: thế giới hiện nay đang diễn ra biết bao biến chuyển phức tạp về chính trị, kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu, sự va chạm của các giá trị và các nền văn minh khác nhau là không thể tránh khỏi. Chỉ có đối thoại mới giúp con người hiểu được lẫn nhau, mới giúp chúng ta khám phá được những bí ẩn, những giá trị tốt đẹp không chỉ của thiên nhiên mà trong tâm hồn mỗi người, xây dựng được một hệ sinh thái “tâm hồn”, nơi mà ở đó thế giới tâm hồn của mỗi người bao la như thảo nguyên nhưng gần gũi với nhau bởi một giá trị chung cao quý nhất “hòa bình”.
Ngạn ngữ Kalmykia có câu “ Con người ngồi trên lạc đà thì gần với bầu trời”- khi trực tiếp tham gia hành trình thám hiểm thảo nguyên trên lưng lạc đà tôi mới thấm câu ngạn ngữ này và mới thấu hiểu tại sao từ thời cổ xưa các dân tộc du mục lại coi lạc đà là động vật cao quý: tượng trưng cho Mặt Trời, thần sấm, kết nối trái đất với đấng tối cao. Cưỡi lạc đà trên thảo nguyên là một trải nghiệm tuyệt vời khó tin khi những ngút ngàn không biên giới của thảo nguyên bao la lần lượt hiện ra trước mắt, trong tiếng hát du mục tự do, hào sảng, thanh khiết như cỏ cây. Những chàng thanh niên chăn lạc đà - những người con Adyk và Kalmykia - những con người có tâm hồn phóng khoáng, mạnh mẽ và hồn hậu như thảo nguyên bao la.
Họ là những hướng dẫn viên du lịch giỏi khi chỉ bằng lời ca tiếng hát và những câu chuyện kể đã hoàn toàn chinh phục được những vị khách người Việt Nam đến từ siêu đô thị Moskva. Mặt khác, họ là những người yêu và kính trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình khi nhất quyết chỉ duy trì dịch vụ du lịch ở mức độ “làm quen.”
Chỉ vài ngày tiếp xúc với họ, tôi đã hiểu, chính ước mơ bình dị về một thế giới trong lành của cỏ cây và hoa lá, của những tập tục lâu đời, thế giới của lời ca tiếng hát và ngọn lửa hòa bình đã làm nên hạnh phúc cho mảnh đất Kalmykia.
Bên đêm lửa trại tuyệt vời, chúng tôi cùng nhau thắp lên một ngọn lửa khác từ trái tim của mỗi người dân Nga và Việt Nam, ngọn lửa hun đúc cho tình hữu nghị mãi vững bền vượt mọi thử thách qua thời gian và biến động lịch sử và cùng cảm nhận những triết lý sống đơn giản mà vĩnh hằng nơi thảo nguyên, như lời bà chủ tịch quỹ Irina: “Hòa bình từ mỗi tâm hồn cho đến hòa bình trên toàn thế giới”./.