Sen Hồ Tây, một trong những biểu tượng của Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Sen Hồ Tây, một trong những biểu tượng của Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Phát triển thương hiệu du lịch Thủ đô từ những giá trị bền vững (Bài 2)

70 năm GPTĐ: Du lịch Hà Nội “cất cánh” từ giá trị của Thành phố vì hòa bình

Vừa khai thác những lợi thế mà mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến được thừa hưởng vừa sáng tạo từ những “bệ đỡ” các sản phẩm mang đậm dấu ấn bản địa, du lịch Hà Nội được kỳ vọng sẽ "cất cánh."

Du lịch Hà Nội đang thực sự chuyển mình năng động và sôi động hơn với những sản phẩm chủ lực được chắt chiu và tạo dựng từ chính những giá trị di sản, vốn quý truyền thống từ bao thế hệ ông cha truyền lại.

Trên lộ trình phát triển của mình, lãnh đạo ngành du lịch Thủ đô đang thể hiện sự thức thời và nhạy bén, không chỉ biết khai thác những lợi thế mà mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến được thừa hưởng và còn sáng tạo từ những “bệ đỡ” các sản phẩm mang đậm dấu ấn bản địa.

Vậy sản phẩm nào sẽ được tập trung đẩy mạnh giúp du lịch Hà Nội “cất cánh”? Câu chuyện xung quanh nội dung này sẽ được Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh làm rõ trong nội dung trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus.

Giá trị đặc biệt từ vị thế Thủ đô

- Du lịch Hà Nội được đánh giá là có những bứt phá tích cực trong một thập niên gần đây, theo ông giá trị nào hay lợi thế gì đã giúp chúng ta làm được điều đó?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Tôi cho rằng trước tiên với tên gọi Thủ đô thì Hà Nội đã mang trong mình giá trị đặc biệt riêng thể hiện vị thế của mình, là điểm đến không thể thiếu với bất kỳ du khách nào khi đến với mỗi quốc gia. Bởi Thủ đô là nơi hội tụ rất nhiều giá trị văn hóa, truyền thống… cũng như các giá trị lịch sử của đất nước.

C0180.00_01_04_48.Still003.jpg
C0180.00_01_22_39.Still005.jpg
C0180.00_02_10_05.Still004.jpg
Bún ốc nguội, một trong những món ăn độc đáo của người Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thứ hai, cơ sở hạ tầng của Thủ đô luôn được chú trọng đầu tư, như sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những trung tâm vận chuyển khách quốc tế đến với Hà Nội, từ đó tỏa đi các tỉnh, thành phố khác nhau.

Thứ ba, thời gian qua chúng tôi đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc cũng như các tuyến đường trục vành đai 1, vành 2, 3, 4 để kết nối giữa các địa phương trong khu vực Hà Nội với khu vực các tỉnh lân cận.

Về hạ tầng chúng tôi đã được quan tâm đầu tư như vậy. Bên cạnh đó, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt trên cao là lợi thế giúp du khách giảm thiểu thời gian di chuyển khi dự hội nghị, hội thảo xong nếu muốn đi tham quan, trải nghiệm thêm các vùng lân cận hay trên địa bàn Thủ đô bằng phương tiện công cộng.

Đối với cơ sở lưu trú, hiện nay, theo thống kê, đến tháng 9, Hà Nội có khoảng 3.700 cơ sở lưu trú khác nhau, trong đó có hàng trăm cơ sở lưu trú được công nhận từ 1 đến 5 sao, có rất nhiều thương hiệu khách sạn 5 sao nổi tiếng như JW Marriott, khách sạn Grand Plaza, khách sạn Lotte Center, khách sạn Silk Path…

Với các thương hiệu khách sạn 5 sao uy tín của Việt Nam cũng như thế giới cũng là một thế mạnh để thu hút các chương trình hội nghị, hội thảo trong cả nước cũng như đón được các đoàn khách quốc tế đến tham dự sự kiện tại Thủ đô Hà Nội.

z4473055791382_a9bdec6438a593ba34b0db91969caf7a.jpg
Triển lãm về lịch sử áo dài Việt ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch của Thủ đô, trong các công ty lữ hành đến các cơ sở lưu trú dịch vụ… đều đạt được chất lượng tốt và sử dụng được các ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác. Đây cũng là một lợi thế để thu hút du khách đến với đến với Hà Nội tham dự các hội nghị, hội thảo, tham quan trải nghiệm.

Thời gian qua, chúng tôi cũng đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm tour, tuyến du lịch để phục vụ những nhu cầu thay đổi của người dân hậu COVID-19, đặc biệt là dòng khách đến tham dự hội nghị, hội thảo. Bởi sau khi khách đến dự hội nghị cũng cần thời gian thư giãn thì có thể kết hợp với đi tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội, như sản phẩm về di sản văn hóa, sản phẩm về ẩm thực, sản phẩm làng nghề...

Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh xây dựng các tour, tuyến sản phẩm liên quan đến du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái hoặc là sản phẩm dịch đêm. Qua đó, tăng thêm thời gian trải nghiệm cho du khách khi lưu trú tại Hà Nội, sau thời gian tham dự các hội nghị, hội thảo.

Trải nghiệm an toàn, hấp dẫn ở “Thành phố vì hòa bình”

- Đóng góp một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế du lịch, loại hình du lịch MICE đã và đang được tư lệnh ngành đặc biệt quan tâm. Vậy với du lịch Hà Nội thì sao, lãnh đạo du lịch địa phương thể hiện sự quan tâm với loại hình này như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Chúng tôi xác định du lịch MICE đóng góp tỷ trọng lớn vào phát triển kinh tế du lịch cũng như doanh thu đóng góp vào nền kinh tế chung của Thủ đô. Với lợi thế là Thủ đô Hà Nội, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những chính sách cụ thể hơn đối với loại hình sản phẩm du lịch này. Nhưng trước hết, chúng tôi sẽ đồng hành với các doanh nghiệp kinh doanh loại hình sản phẩm du lịch MICE để các cơ sở lưu trú có những chính sách ưu đãi riêng dành cho khách. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá đến với các du khách khi ghé thăm Hà Nội.

vnp_Born Pink (1).jpg
Concert Blackpink hút hơn 60.000 khán giả đến Hà Nội đã mở ra cơ hội cho du lịch âm nhạc ở Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Thứ hai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh liên kết trong hoạt động du lịch MICE giữa cơ sở lưu trú, cơ sở tổ chức hội nghị, hội thảo cùng doanh nghiệp lữ hành với các điểm đến, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn để tạo thành một vòng dịch vụ khép kín. Bởi khách tham dự hội nghị xong thường có nhu cầu dành thời gian đi tham quan, trải nghiệm du lịch.

Quan trọng hơn nữa, chúng tôi có kế hoạch đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực cho các cơ sở lưu trú, qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu Thành phố vì hòa bình.

- Theo ông, việc Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” từ năm 1999 đến nay có ý nghĩa như thế nào đối với việc thu hút du khách quốc tế?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Đối với Thủ đô Hà Nội, ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch suốt thời gian hậu COVID-19 đã rất nỗ lực để khắc phục và phục hồi nhanh các hoạt động.

Cùng với nỗ lực chung của toàn ngành du lịch Thủ đô cũng như các doanh nghiệp, thời gian qua Hà Nội đã nhận được rất nhiều giải thưởng vinh danh của các tổ chức du lịch uy tín trên thế giới cũng như được truyền thông quốc tế đánh giá cao.

vnp_am thuc bat trang (3).jpg
Du khách quốc tế đến Bát Tràng thưởng thức mâm cỗ tết cổ truyền của người dân làng nghề. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đơn cử như 3 năm liên tiếp, Hà Nội được vinh danh là Điểm đến du lịch tốt nhất châu Á; Điểm đến du lịch Golf tốt nhất thế giới được vinh danh năm 2023. Ngoài ra, Hà Nội cũng được vinh danh Giải thưởng du lịch tốt nhất thế giới cũng như tốt nhất châu Á dành cho kỳ nghỉ ngắn ngày…

Bên cạnh đó, Hà Nội đã được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” suốt 25 năm qua là một vinh dự đầy tự hào và rất xứng đáng cho Thủ đô Hà Nội, qua đó góp phần quảng bá cho Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như du lịch Việt Nam nói chung, đến đông đảo du khách quốc tế cũng như du khách trong nước đến trải nghiệm.

Trong khi thế giới hiện nay có nhiều nơi rất bất ổn, cùng với chiến tranh cũng như các tệ nạn xã hội, nạn cướp bóc gây mất an ninh trật tự thì Hà Nội lại vô cùng bình yên cùng tinh thần hiếu khách của nhân dân Thủ đô. Điều đó giúp bạn bè thế giới có thêm trải nghiệm an toàn, hấp dẫn, thân thiện, chất lượng.

“Bệ đỡ” di sản và làng nghề

- Hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô 10/10, Hà Nội có những chương trình hay hoạt động gì hấp dẫn để chào mừng sự kiện đặc biệt ý nghĩa này, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Mùa Thu Hà Nội năm nay rất đặc biệt, bởi có kỷ niệm 70 năm ngày 10/10/1954-10/10/2024. Với tinh thần hướng tới ngày kỷ niệm lớn, từ Trung ương đến địa phương là thành phố Hà Nội đã chuẩn bị các điều kiện rất sẵn sàng chào đón ngày hội tưng bừng của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

vnp_tet lang viet 20.jpg
Du khách quốc tế trải nghiệm gói bánh chưng ở làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Với ngành du lịch, chúng tôi đã rà soát lại các sản phẩm du lịch hiện có, đặc biệt xây dựng các tour mới cũng như các chương trình, chính sách mới. Đơn cử như chương trình tour “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm khách sạn 4-5 sao,” là hưởng ứng của các khách sạn liên kết với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, từ lữ hành, hàng không, điểm đến nhằm mang đến ưu đãi, giúp người dân có thể trải nghiệm dịch vụ cao cấp của Hà Nội với giá hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng một chuỗi các hoạt động, sự kiện sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm. Bởi Hà Nội xác định đây là dịp thể hiện thế mạnh với các hoạt động tiêu biểu xuất sắc chào mừng sự kiện 10/10.

Chúng tôi đã chỉ đạo và gửi chương trình sự kiện cho phía lữ hành cũng như các khách sạn để các đơn vị này thông tin trực tiếp tới du khách, giúp họ không chỉ đi tham quan các di tích cũng như các sản phẩm du lịch hiện có mà có thể cùng trải nghiệm các hoạt động tưng bừng của dịp lễ đặc biệt 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Đặc biệt, chúng tôi cũng đã kết hợp với doanh nghiệp và các điểm đến xây dựng gói 16 sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn. Ngoài ra, có các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp nông thôn ở các địa phương khác nhau có tiềm năng, thế mạnh về trải nghiệm, nghỉ dưỡng như Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa.

Thời gian qua chúng tôi cũng đã xây dựng một số tour mới, như trải nghiệm làng nghề nón Chuông (huyện Thanh Oai) hoặc sản phẩm trải nghiệm về làng hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa)…

vnp_non lang chuong.jpg
Nón làng chuông được bảo tồn và khôi phục để phục vụ khách du lịch. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

- Việc Hà Nội sở hữu rất nhiều những giá trị văn hóa truyền thống nhưng để có thể xây dựng một sản phẩm đặc trưng thì Hà Nội sẽ tập trung vào sản phẩm nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Hà Nội hiện có rất nhiều sản phẩm về di tích lịch sử, văn hóa cũng như các di tích được công nhận và xếp hạng của quốc gia. Bên cạnh đó, có rất nhiều các giá trị văn hóa đã được xây dựng thành sản phẩm du lịch từ văn hóa phi vật thể, như ca trù, hát chầu văn và các làng nghề khác nhau; hay từ ẩm thực truyền thống.

Chính vì thế, chúng tôi xác định du lịch di sản văn hóa cũng như du lịch các làng nghề là một trong những thế mạnh của chúng tôi. Tôi lấy ví dụ làng cổ Đường Lâm, ấn tượng từ cảnh quan thiên nhiên tới những nếp nhà vẫn cơ bản giữ được nét đẹp Bắc bộ cổ xưa. Đặc điểm của du khách quốc tế là thường thích khám phá và trải nghiệm một cách sâu sắc nhất nét văn hóa bản địa chứ không phải đi để “check-in.”

Trong khi đó, Hà Nội có tới hơn nghìn làng nghề và làng có nghề, đang thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm trực tiếp và tìm hiểu các sản phẩm của làng nghề. Họ tự tay làm các sản phẩm và đem về làm kỷ niệm. Tôi tin rằng mỗi lần nhìn sản phẩm đó họ họ sẽ nhớ đến Việt Nam, nhớ đến Hà Nội.

- Một điểm nhấn của hoạt động xúc tiến quảng bá 2024 của du lịch Việt Nam là chương trình xúc tiến du lịch-điện ảnh tại Mỹ vừa qua, trong đó có sự tham gia của Sở Du lịch Hà Nội. Xin ông cho biết kỳ vọng của ngành du lịch Thủ đô trong việc thu hút lượng du khách đến thông qua quảng bá du lịch qua điện ảnh là gì?

vnp_hong minh.jpg
Phó Giám đốc sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Ông Nguyễn Hồng Minh: Công tác quảng bá rất quan trọng đối với ngành du lịch nói chung, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục Du lịch Quốc gia cũng xác định hướng đi trong thời gian tới đây là du lịch thông qua các bộ phim điện ảnh.

Trước đây, đã có nhiều bộ phim nổi tiếng của thế giới được quay tại Việt Nam. Thông qua những tác phẩm điện ảnh kinh điển thì lượng khán giả theo dõi các bộ phim đấy họ sẽ ngạc nhiên, ồ lên rằng tại sao có một điểm đến hấp dẫn, hay và đẹp như thế này.

Hay đơn cử như những bộ phim do Việt Nam sản xuất cũng vậy. Bộ phim tôi nhớ mãi là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã góp phần quảng bá giúp Phú Yên trở thành một hiện tượng điểm đến suốt thời gian dài sau đó.

Chúng ta biết rằng Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất phong phú, từ đồng bằng, biển sông đến núi rừng, hang động… đều có thể trở thành bối cảnh hấp dẫn cho các tác phẩm điện ảnh. Chúng tôi hy vọng rằng sau chương trình xúc tiến ở Hollywood của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng ta sẽ dành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chọn bối cảnh cho những bộ phim bom tấn.

Chúng tôi luôn luôn chào đón với tiêu chí Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Bài 1: "Cơ hội vàng" định vị thương hiệu cho du lịch Thủ đô

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục